Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng giảm
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 6 tháng năm 2025, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,061 triệu người, đạt 91,8% kế hoạch bảo hiểm xã hội giao, tăng 199 nghìn người so với năm 2024, tăng 382 nghìn người so với cùng kỳ. 1,897 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 64,4% kế hoạch bảo hiểm xã hội giao, tăng 48,3 nghìn người so với năm 2024, tăng 270 nghìn người so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa
Ngoài ra, đã có 15,354 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 91,6% kế hoạch bảo hiểm xã hội giao, tăng 206,4 nghìn người so với năm 2024, tăng 388,7 nghìn người so với cùng kỳ. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,254 triệu người, đạt 93,5% kế hoạch bảo hiểm xã hội giao. Ghi nhận một số địa phương có số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An; Đồng Nai…
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị sử dụng lao động cơ bản được kiểm soát, số tiền ngân sách nhà nước đã được đôn đốc chuyển tiền và ký biên bản xác nhận kịp thời. Số thu là 296.056 tỷ đồng, đạt 49,6% kế hoạch Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao, tăng 55.634 tỷ đồng (23,1%) so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhiều địa phương chưa chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; kết quả phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại một số địa phương vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng dân số và lực lượng lao động trên địa bàn.
Đặc biệt, mặc dù số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng giảm, song vẫn còn ở mức cao. Ngoài ra chưa xử lý dứt điểm tình trạng ngân sách nhà nước chậm đóng bảo hiểm y tế trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Ngoài ra, việc tổ chức triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại một số đơn vị còn chưa nghiêm túc, thiếu quyết liệt, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa đồng đều, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của công tác thu và phát triển người tham gia trong toàn hệ thống.
Từ nay đến hết năm 2025, công tác thu và phát triển người tham gia tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tập trung phân tích kỹ đặc điểm và tiềm năng của từng nhóm đối tượng trên địa bàn.
Đồng thời, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu chủ động xây dựng, đề xuất các giải pháp phù hợp, có tính thuyết phục để tham mưu hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn.