Lao đao vì tìm nguồn cung than phục vụ sản xuất điện

Trong bối cảnh nguồn cung than trong nước phục vụ sản xuất điện thiếu hụt, Bộ Công thương đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy nhanh việc nhập khẩu than. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than cũng đặt ra nhiều thách thức khi giá than trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ về nguồn cung than phục vụ cho sản xuất điện.

Nhiều tổ máy nhiệt điện ngừng vận hành vì thiếu than

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đang khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Khối lượng than cấp trong quý I/2022 gần 4,5 triệu tấn, thiếu 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do thiếu than và tồn kho ở mức thấp, nên đến cuối tháng 3, nhiều tổ máy đã phải dừng và giảm phát.

Chẳng hạn, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 hiện chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 - 70% công suất. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than để chạy 1 tổ máy, còn 3 tổ máy phải dừng vận hành.

Nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đang thiếu hụt so với nhu cầu. Ảnh: TL

Cũng theo EVN, các đơn vị cung cấp than là Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã nỗ lực khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước, nhập khẩu than để pha trộn. Nhưng hai doanh nghiệp này cho biết, tình hình cấp than vẫn tiếp tục khó khăn, dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ tháng 4. Trong mùa khô năm 2022 (từ tháng 4), nếu không có giải pháp quyết liệt để khắc phục, có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện do thiếu than.

Trong bối cảnh nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, để giải quyết nhu cầu cấp bách cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong các tháng mùa khô năm 2022, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay ngành công thương đang có hướng tăng cường nhập khẩu để bù đắp nguồn than bị thiếu hụt. Như vừa qua, Bộ Công thương đã đặt vấn đề nhập khẩu than với Australia và hướng tới nhập khẩu than từ Nam Phi.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu than cũng gặp thách thức về giá nhập khẩu tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, đẩy nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu năm 2022 tăng cao và chiến sự Nga - Ukraine tác động lớn tới kinh tế, làm giá dầu, sắt thép, than tăng vọt...

Giá than liên tục tăng đạt các mốc kỷ lục, có thời điểm lên đến 300 - 400 USD/tấn và đến thời điểm hiện nay vẫn neo ở mức cao, khoảng 200 USD/tấn, gấp đôi so với trước đây; nguồn cung than khan hiếm nên việc nhập khẩu than gặp nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, để sản xuất điện, buộc Việt Nam vẫn phải tìm mọi cách nhập khẩu than nhanh để đáp ứng đủ cho nhu cầu điện khi mùa khô năm 2022 đã đến và được dự báo nhu cầu điện sẽ tăng cao” - ông Nguyễn Văn Vy phân tích.

Đa dạng hóa nguồn cung than, tăng nhập khẩu dự trữ

Về giải pháp dài hạn cho nguồn cung than phục vụ sản xuất điện trong buối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Vy cho hay, trước hết ngành công thương với trọng trách nhiệm vụ được Chính phủ giao, cần thúc đẩy khai thác than trong nước theo các hợp đồng đã ký kết giữa các doanh nghiệp, đúng chủng loại thiết kế cho các nhà máy điện của EVN.

Trong trường hợp thiếu, cần nhập khẩu nguồn than như thế nào phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện. Có thể thực hiện trộn than trong nước với than nhập khẩu để cung cấp than phù hợp với loại than thiết kế cho từng nhà máy điện.

Tổng nhu cầu than của Việt Nam năm 2022 ước tính khoảng 90 triệu tấn, trong đó khai thác trong nước gần 50 triệu tấn, nhập khẩu hơn 40 triệu tấn; dự báo năm 2025, tổng nhu cầu than cả nước khoảng 100-110 triệu tấn, khai thác trong nước khoảng 45 - 50 triệu tấn, cần nhập khẩu khoảng 55 - 60 triệu tấn. Với thực tế này, việc bảo đảm cấp đủ nhu cầu than cho phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng và cũng gặp nhiều khó khăn thách thức.

Về lâu dài, để đảm bảo đủ nguồn than cho phát điện và các ngành sản xuất khác, ông Vy cho rằng, các cơ quan quản lý cần đa dạng hóa nguồn cung cấp than dài hạn từ nhiều quốc gia khác nhau, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Có thể tính đến phương án khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mua mỏ ở nước ngoài.

Đối với việc mua theo hợp đồng thương mại để đảm bảo cạnh tranh và tránh rủi ro, cần đa dạng các hình thức hợp đồng nhập khẩu than như: Hợp đồng dài hạn, hợp đồng theo năm, hay hợp đồng theo từng chuyến với tỷ lệ từng loại than phù hợp.

Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi các chính sách nhập khẩu than sao cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng công khai minh bạch, vừa thuận tiện cho công tác quản lý, giám sát; vừa dễ dàng cho doanh nghiệp triển khai, thực hiện một cách chủ động. Việc tổ chức nhập khẩu cần có quy định theo hướng chuyên nghiệp, quy mô, tập trung để tăng tính cạnh tranh, không gây xáo trộn thị trường.

Liên quan đến lưu trữ than, ông Vy đề xuất, trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định và nhiều rủi ro về đảm bảo nguồn cung, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia./.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lao-dao-vi-tim-nguon-cung-than-phuc-vu-san-xuat-dien-103239.html