Lao động bán thời gian được hưởng phúc lợi thế nào?

Thực tế, doanh nghiệp thường bỏ qua việc áp dụng các chính sách phúc lợi dành cho người lao động làm việc bán thời gian. Còn pháp luật lao động hiện hành thì nhìn vấn đề này như thế nào? Việc doanh nghiệp không thực thi các chính sách phúc lợi lao động đối với nhóm đối tượng này liệu có vi phạm pháp luật?

Phúc lợi lao động là những lợi ích vật chất, tinh thần nhất định mà người lao động (NLĐ) được hưởng bên cạnh tiền công, tiền lương. Các khoản phúc lợi thường bao gồm các loại bảo hiểm, trợ cấp, các chính sách có liên quan đến sức khỏe, an toàn lao động và các chế độ đãi ngộ khác.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ lợi nhuận để dùng cho công tác khen thưởng, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Nhưng trên thực tế không phải ai nào cũng nhận được những khoản phúc lợi này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới những NLĐ làm bán thời gian, hay nói chính xác hơn là NLĐ làm việc không trọn thời gian(1) (thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày, tuần hoặc tháng).

Phúc lợi của người làm bán thời gian có giống của người bình thường?

Theo pháp luật lao động hiện hành, không có bất cứ quy định nào nêu rõ ràng việc doanh nghiệp phải dành các khoản phúc lợi cho NLĐ làm việc bán thời gian giống như NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường. Thường thì các nội dung liên quan đến phúc lợi lao động được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong hợp đồng lao động giao kết giữa doanh nghiệp và người lao động.

Do cách thức tổ chức doanh nghiệp ở nước ta rất đa dạng nên việc thực hiện phúc lợi lao động ở các doanh nghiệp cũng rất khác nhau, từ số lượng các khoản phúc lợi cho đến mức độ bao phủ, mức độ thường xuyên của các hoạt động này. Thông thường, ngoài tiền lương, NLĐ có tên trong danh sách lương được nhận các khoản có giá trị bằng tiền (hoặc quà) vào các dịp lễ, Tết. Ở không ít doanh nghiệp còn có phụ cấp ăn trưa, chi phí xăng xe, chi phí điện thoại di động, chi phí công tác…

Một số doanh nghiệp còn xây dựng quỹ phúc lợi chăm sóc sức khỏe như bảo trợ các chương trình thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe định kỳ; du lịch – nghỉ dưỡng; lập quỹ đào tạo, bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên môn… Có doanh nghiệp còn chú trọng cung cấp các phúc lợi liên quan đời sống tinh thần và giải trí của nhân viên như tập gym, spa, chăm sóc sắc đẹp hay các hoạt động ngoại khóa khác.

Tuy nhiên, do tính chất của phúc lợi lao động là những khoản hỗ trợ tự nguyện của doanh nghiệp dành cho NLĐ nên doanh nghiệp có quyền tự do quy định các tiêu chí đáp ứng điều kiện nhận hỗ trợ. Việc NLĐ làm việc bán thời gian có được nhận các phúc lợi giống như NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp.

Thông thường, các doanh nghiệp muốn dành các khoản phúc lợi này là nhằm mục đích giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nên rất ít khi họ dùng vào việc đãi ngộ NLĐ làm việc bán thời gian vốn được coi là đối tượng lao động ít tiềm năng gắn kết. Trên thực tế, cả NLĐ lẫn phía doanh nghiệp thường mặc định NLĐ bán thời gian không được nhận các loại phúc lợi lao động như những NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường.

Xét ở góc độ pháp lý, Bộ luật Lao động 2019 có quy định không được phân biệt đối xử giữa NLĐ làm việc bán thời gian và NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường(2), nhưng lại không có căn cứ để xác định phạm vi được xem là phân biệt đối xử.

Tranh chấp về làm thêm giờ

Như đã phân tích thì các khoản phúc lợi sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng lao động ký kết giữa NLĐ làm việc bán thời gian và doanh nghiệp. Nhưng cần lưu ý một trong những vấn đề pháp lý có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng lao động, đó là vấn đề làm thêm giờ.

Theo pháp luật lao động Việt Nam, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động, cụ thể là 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/tuần.

Ngoài việc NLĐ làm thêm giờ sẽ được trả một khoản cao hơn mức lương thông thường, như ít nhất là bằng 150% tiền lương thực trả đối với ngày thường, 200% đối với ngày nghỉ hàng tuần và 300% đối với ngày nghỉ lễ, Tết… (3), không ít doanh nghiệp còn trả thêm một khoản phụ cấp hỗ trợ cho NLĐ để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là chính sách được áp dụng cho NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường, và chưa có căn cứ pháp lý cho thấy NLĐ làm việc bán thời gian sẽ được hưởng quyền lợi này. Có rất nhiều những tranh cãi xoay quanh vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng để đảm bảo việc NLĐ không bị phân biệt đối xử thì người làm việc bán thời gian cũng phải được hưởng tiền phụ cấp làm thêm giờ giống như người làm việc theo thời giờ làm việc bình thường. Tuy nhiên, cũng tồn tại quan điểm cho rằng chỉ có làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường mới được xem là làm thêm giờ, và do đó, NLĐ làm việc bán thời gian không đủ điều kiện nhận phúc lợi lao động.

Đây lại là cách nghĩ của đa số NLĐ cũng như doanh nghiệp Việt Nam nên hầu như cho đến nay, chưa có vụ tranh chấp nào về phúc lợi lao động giữa NLĐ bán thời gian và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nhưng còn tòa án, liệu tòa án có nhận định việc doanh nghiệp yêu cầu NLĐ phải làm việc đủ thời gian giống như NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường mới được nhận trợ cấp làm thêm giờ là hành vi phân biệt đối xử, hay cũng cho rằng chỉ có làm ngoài thời giờ làm việc bình thường mới được xem là làm thêm giờ?

Có một vụ việc ở châu Âu hồi năm 2005, khi đó, Edeltraud Elsner-Lakeberg là một giáo viên trung học làm việc bán thời gian cho Land Nordrhein-Westfalen. Vào tháng 12-1999, cô phải dạy thêm 2,5 giờ trong tháng nhưng yêu cầu trả thù lao làm thêm giờ của cô bị từ chối vì có quy định số giờ làm thêm của giáo viên chỉ được trả khi công việc làm thêm vượt quá ba giờ trong một tháng.

Nhưng cuối cùng, tòa án ở Đức đã kết luận việc ép buộc NLĐ làm việc bán thời gian phải có tổng số giờ làm việc tối thiểu bằng tổng số giờ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường cộng thêm 3 giờ vượt quá thì mới đủ điều kiện nhận tiền phụ cấp làm thêm giờ là hành vi phân biệt đối xử. NLĐ làm việc bán thời gian hoàn toàn có quyền được áp dụng chi trả phụ cấp làm thêm giờ dựa trên tỷ lệ thuận với thời gian làm việc của họ.

Chẳng hạn, một NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường phải làm thêm 3 giờ so với tổng số giờ quy định là 98 giờ, tức thời gian làm thêm ở mức 3%, theo đó, nếu NLĐ làm việc bán thời gian làm thêm 3% so với tổng số giờ làm việc của họ thì cũng sẽ được nhận phụ cấp.

Đó chỉ là ví dụ tham khảo cho thấy Việt Nam cũng cần ban hành các quy định rõ ràng về phúc lợi riêng biệt cho NLĐ làm việc bán thời gian để tránh nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng các quy định của pháp luật không thống nhất. Và trong khi chờ đợi, NLĐ làm bán thời gian tùy vào quỹ thời gian, kinh nghiệm cũng như mong muốn của mình mà lựa chọn cách thức làm việc phù hợp, và cần chú ý bảo vệ quyền lợi của mình khi giao kết hợp đồng lao động.

—————

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

(1) Điều 32.1 BLLĐ 2019

(2) Điều 32.3 BLLĐ 2019

(3) Điều 98.1, điều 107.1 BLLĐ 2019

Lê Kiều Trinh(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lao-dong-ban-thoi-gian-duoc-huong-phuc-loi-the-nao/