Lao động ngành chế biến, chế tạo nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cao nhất quý 2

Với tình trạng cắt giảm việc làm tăng cao, trong quý 2/2023, Bộ LĐTB&XH thống kê có hơn 357.500 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Theo bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quý 2/2023, Việt Nam có 52,3 triệu người tham gia lực lượng lao động. Trong đó, 51,2 triệu người có việc làm, tỷ lệ tham gia thị trường lao động chiếm 68,9%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động chiếm 2,06%, tăng 54,9 nghìn người so với quý 1/2023 và tăng 58,9 nghìn người so với quý 2/2022. Thu nhập của lao động hưởng lương trung bình đạt 7,0 triệu đồng, giảm nhẹ 79.000 đồng so với quý đầu năm và tăng mạnh 355.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Về biến động việc làm theo ngành so với quý đầu năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng lao động giảm nhiều nhất 189.000 người và ngành dịch vụ ăn uống lưu trú tăng nhiều lao động nhất, tăng 106.000 người.

So với cùng kỳ năm trước, sự gia tăng lực lượng lao động lớn nhất thuộc về ngành xây dựng, tăng 282.000 người và ngược lại ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhiều nhất 90.000 người.

Từ sự sụt giảm việc làm của các ngành nghề, Bộ LĐTB&XH thống kế trong quý 2/2023, Việt Nam có hơn 357.500 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 152.200 người so với quý 1 và tăng 55.927 người so với quý 2/2022.

Trong đó, 5 nhóm ngành nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cao nhất được Bộ LĐTB&XH chỉ ra, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 45,9%; hoạt động dịch vụ khác 30,9%; nông lâm nghiệp thủy sản 4,4%; xây dựng 2,7%; bán buôn bán lẻ, sửa chữa mô tô xe máy và động cơ khác 2,6%.

Lao động làm nghề may, thêu và các công việc liên quan nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất, sau đó lần lượt đến lao động thợ lắp ráp, nhân viên bán hàng, kỹ thuật điện tử, cuối cùng là kế toán.

Lao động làm hồ sơ hưởng phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm gần 69%, nhóm trình độ đại học trở lên 13%, cao đẳng 5,8%, sơ cấp 6,8% và trung cấp 5,4%. Lao động nhận trợ cấp chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đông khu công nghiệp.

"Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh phản ánh thực trạng doanh nghiệp ở các ngành nghề mất đơn hàng, cắt giảm lao động kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay", bản tin nhìn nhận.

Lao động ngành may mặc tiếp tục bị cắt giảm trong quý 3

Dự báo thị trường lao động trong quý 3/2023, Bộ LĐTB&XH cho biết, số lao động có việc làm có thể tăng lên 51,5 triệu người

Trong đó, Bộ thống kê một số ngành tiếp tục cắt giảm nhân lực, gồm: Sản xuất trang phục dệt may cắt giảm 123.000 người, ngành nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người, ngành bán lẻ giảm 32.000 người.

Ngược lại, điểm tích cực là Bộ LĐTB&XH cho biết, một số ngành nghề sẽ gia tăng lao động: Khu vực dịch vụ ăn uống tăng 114.000 người, ngành bán buôn tăng 105.000 người, sản xuất thiết bị điện khoảng 69.700 người.

Từ tình trạng cắt giảm việc làm của quý 2, Bộ LĐTB&XH dự báo người lao động thuộc 5 nhóm nghề mong muốn tìm việc nhiều nhất theo thứ từ cao xuống thấp là môi giới bất động sản, dệt may, thực phẩm đồ uống, kho vận, bảo hiểm.

Tuy nhiên, 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất lại không tương đồng với những ngành nghề mà người lao động đang cần tìm việc, gồm: Thông tin truyền thông; tài chính ngân hàng bảo hiểm; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô xe máy; hoạt động dịch vụ khác; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lao-dong-nganh-che-bien-che-tao-nop-ho-so-tro-cap-that-nghiep-cao-nhat-quy-2-post24403.html