Lao động ngoài trời gánh chịu biến đổi khí hậu

Lao động ngoài trời, yếu tố giúp thành phố vận hành trơn tru, phải chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu nhưng lại bị bỏ qua trong lưới an sinh xã hội.

Giữa những ngày Hà Nội ‘đổ lửa’ của tháng 5, anh Ninh - một tài xế xe công nghệ - dắt xe ra khỏi nhà dù lúc đó đồng hồ chưa điểm 5 giờ sáng. Anh đi sớm, tranh thủ đón khách khi tiết trời còn dịu mát trước khi nhiệt độ có thể chạm ngưỡng 40 độ C, cao nhất trong nhiều năm qua.

Hơn 5 năm qua kể từ ngày bắt đầu trở thành tài xế công nghệ rong ruổi trên đường, anh Ninh đã không ít lần muốn chuyển sang công việc khác bởi nghề xe ôm này quá vất vả, dãi nắng dầm mưa.

Dù là thanh niên nhưng do phải làm việc ngoài trời liên tục, sương gió, nắng nóng gia tăng và bụi nơi phố thị khiến sức khỏe của anh ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu lo ngại. Những cơn đau lưng ập đến nhiều hơn, những con ho kéo dài dai dẳng hơn và nước da cứ ngày thêm sạm.

Có những ngày nắng nóng đỉnh điểm, Ninh vẫn phải ra ngoài vì một người chỉ có bằng cấp 3 như anh khó có sự lựa chọn nào khác, và bởi món nợ sau khi mở quán ăn nhỏ ở quê thất bại vì Covid-19 khiến anh không thể dừng lại.

“Vợ con mình ở quê, mở một tiệm tóc nhỏ đủ ăn. Mình nợ nhiều lắm, chẳng dám thò mặt về quê đến khi gom đủ tiền trả nợ vì sợ chủ nợ truy đòi”, Ninh tâm sự.

Không chỉ anh Ninh, rất nhiều người lao động ngoài trời khác buộc phải tiếp tục làm việc trong quãng thời gian nhiệt độ cao nhất trong ngày – mức nhiệt độ thậm chí có thể rán chín một quả trứng nếu để trên mặt đường.

Lao động ngoài trời được Tổ chức Lao động thế giới (ILO) định nghĩa là những người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với các điều kiện thời tiết như bức xạ mặt trời, độ ẩm và nhiệt.

Họ, đặc biệt là những lao động phi chính thức, là xương sống của nền kinh tế đô thị, là nhân tố giúp các thành phố đông đúc vận hành trơn tru, là những người đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nắng nóng gia tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu. Thế nhưng, họ lại đang bị bỏ qua trong lưới an sinh xã hội.

Rất nhiều người lao động ngoài trời buộc phải tiếp tục làm việc trong quãng thời gian nhiệt độ cao nhất trong ngày. Ảnh: Hoàng Anh

Rất nhiều người lao động ngoài trời buộc phải tiếp tục làm việc trong quãng thời gian nhiệt độ cao nhất trong ngày. Ảnh: Hoàng Anh

“Biến đổi khí hậu và nắng nóng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của đại đa số người lao động làm việc ngoài trời và trong môi trường không được điều hòa nhiệt độ tại các vùng đông dân, dẫn đến những tổn thất lớn về mặt kinh tế”, theo đánh giá từ Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc.

Nhiệt độ cực đoan gây ra những tác động tàn phá đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là do năng suất lao động giảm sút, theo phân tích của ILO. Khi nhiệt độ tăng trên mức 24 – 26°C, năng suất lao động bắt đầu suy giảm. Khi nhiệt độ đạt mức 33 – 34°C, năng suất có thể giảm tới 50%.

Người lao động trong tất cả ngành nghề đều bị ảnh hưởng, nhưng một số công việc có nguy cơ cao hơn do yêu cầu về thể chất và sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường ngoài trời. Những ngành này bao gồm nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng, thu gom rác thải, sửa chữa khẩn cấp, vận tải, du lịch và thể thao.

Dự báo của ILO cho thấy, đến năm 2030, với mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C và xu hướng lao động hiện tại, 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới sẽ bị mất do nhiệt độ cao, tương đương với năng suất của 80 triệu việc làm toàn thời gian.

Tổn thất kinh tế do căng thẳng nhiệt tại nơi làm việc dự kiến sẽ lên tới 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, với tác động lớn nhất rơi vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Tại Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về số lượng lao động ngoài trời. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh những tác động của nhiệt độ cực đoan đối với sức khỏe và năng suất của nhóm này.

Tác động của nắng nóng gia tăng đối với lao động ngoài trời

TS. Vũ Ngọc Anh, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu xã hội quốc gia tại Vương quốc Anh, cho biết, gần 60% lao động ngoài trời được khảo sát phải làm việc trong khoảng thời gian nắng gắt nhất trong ngày (10 giờ sáng – 2 giờ chiều), khi nhiệt độ ở mức cao nhất.

“Điều này không chỉ phản ánh mô hình làm việc mà còn cho thấy mức độ tiếp xúc với nhiệt độ cao mà những người lao động phải đối mặt. Số lượng lớn lao động làm việc vào thời điểm nắng nóng cao điểm đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe và an toàn, đặc biệt khi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn, bà Anh nhấn mạnh trong phát biểu tại Diễn đàn Sức khỏe và nhiệt khu vực Đông Nam Á đầu tiên do Mạng lưới Thông tin sức khỏe nhiệt toàn cầu (GHHIN) tổ chức tại Singapore mới đây.

GHHIN là một diễn đàn độc lập của các nhà khoa học, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách, tập trung vào việc nâng cao năng lực bảo vệ cộng đồng trước các rủi ro sức khỏe do nhiệt độ cực đoan trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi.

Dữ liệu từ dự án "Tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu đối với lao động ngoài trời bấp bênh tại các siêu đô thị ở Việt Nam" do TS. Anh dẫn dắt và triển khai cho thấy, một nửa số lao động ngoài trời mắc các bệnh mãn tính như trầm cảm, bệnh xương khớp hoặc bệnh về hệ miễn dịch.

Ngoài ra, hơn 90% đã từng gặp các vấn đề sức khỏe như bệnh da liễu, say nắng, sốc nhiệt do các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tuy nhiên, chỉ 27% người lao động được hỏi tìm kiếm sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp khi bị bệnh. Đáng chú ý, gần 60% lao động ngoài trời tự bỏ tiền mua bảo hiểm y tế tự nguyện, nhưng rất ít người sử dụng khi ốm đau.

Nguyễn Minh Tú – công nhân xây dựng – là một trong số đó. Không có bằng cấp và đã hơn 45 tuổi, bà làm việc thời vụ cho một nhà thầu nhỏ ở TP.HCM và không có chế độ bảo hiểm y tế.

“Mua bảo hiểm để đề phòng thôi, chứ không dùng đến là may mắn đó vì mình vẫn còn khỏe”, bà cười khi được hỏi. Nói vậy, nhưng chính bà cũng hiểu và thừa nhận rằng, bà không dùng vì ngại nhiều điều chứ không phải vì sức khỏe còn dẻo dai như tuổi đôi mươi.

“Ngại đi khám lắm, mất cả ngày công để xếp hàng, được khám rồi lấy thuốc. Rồi lỡ may đi khám lại ra bệnh gì thì lo lắng, mà lỡ nằm viện thì lấy ai chăm sóc gia đình, ai nuôi mấy đứa đang tuổi ăn tuổi học”, bà chia sẻ.

Công việc xây dựng nặng nhọc khiến hai đầu gối và vai của bà đau mỗi khi thời tiết thay đổi. Mỗi lần như vậy, bà lại chạy ra hiệu thuốc gần nhất, mua giảm đau hoặc đơn thuốc theo đề xuất của người bán vì “nhanh và tiện”.

Số lượng lớn lao động làm việc vào thời điểm nắng nóng cao điểm đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe và an toàn.

Số lượng lớn lao động làm việc vào thời điểm nắng nóng cao điểm đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe và an toàn.

Trao đổi với TheLEADER bên lề diễn đàn, bà Anh cho biết, phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nam giới trong việc cân bằng giữa công việc, chăm sóc con cái và bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cùng với đó, lao động trẻ có khả năng thích nghi tốt hơn, còn lao động lớn tuổi chịu tổn thất thu nhập nhiều hơn.

Khi gặp vấn đề, những lao động này nhận được rất ít sự hỗ trợ từ xã hội. “Bản thân họ cảm thấy cô lập và sự bấp bênh trong cuộc sống là thứ điển hình”, bà giải thích thêm.

Đáng chú ý, nhiều lao động, bao gồm cả phụ nữ, xem rủi ro sức khỏe do thời tiết cực đoan như một phần tất yếu của công việc hàng ngày. Nhiều người tin rằng, các vấn đề sức khỏe do nhiệt độ cao gây ra chỉ đơn giản là đặc thù nghề nghiệp, nên họ không phàn nàn hay tìm kiếm sự giúp đỡ. “Điều này đã ăn sâu vào tư duy của họ”, bà Anh nhận định.

Việc xem nhẹ rủi ro này là một cơ chế đối phó giúp những người lao động quản lý căng thẳng và tiếp tục làm việc bất chấp điều kiện khắc nghiệt. Bằng cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng, người lao động ngoài trời duy trì tinh thần kiên cường, giảm bớt lo âu.

“Đây là vấn đề đáng lo ngại và quá trình thiết kế các chính sách cần cân nhắc tới yếu tố này”, TS. Anh nhấn mạnh. “Cùng với đó, cần giúp những người lao động này có năng lực để họ tự xác định giá trị mà họ muốn theo đuổi – một quá trình chắc chắn sẽ mất thời gian”.

Tìm kiếm giải pháp

Theo TS. Trần Nữ Quý Linh, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Queensland, các chính sách và chiến lược thích ứng liên quan đến sức khỏe vẫn còn nhiều khoảng trống.

Trao đổi với TheLEADER bên lề diễn đàn, bà Linh cho biết thêm, các chính sách hiện nay chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ thiên tai và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, và đang bỏ qua các rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt độ cao.

Hệ thống giám sát chủ yếu nhắm đến bệnh truyền nhiễm, trong khi ít chú ý đến các bệnh không lây nhiễm bị trầm trọng hơn do nắng nóng, như bệnh tim mạch và hô hấp.

Ngoài ra, việc phòng ngừa bệnh do nhiệt độ gia tăng chưa được ưu tiên đúng mức. Sự phối hợp giữa các ngành y tế, khí tượng, quản lý thiên tai cùng các lĩnh vực khác vẫn còn hạn chế, dẫn đến các chính sách liên quan đến nắng nóng chưa được triển khai hiệu quả.

Việt Nam hiện cũng chưa có hệ thống cảnh báo sức khỏe liên quan đến nắng nóng đủ mạnh, với các thông báo mang tính địa phương, kịp thời và có thể hành động ngay. Việc thiếu dữ liệu sức khỏe và thời tiết theo thời gian dài càng làm giảm độ chính xác và phạm vi bao phủ của các khuyến cáo về nắng nóng.

Bà Linh đề xuất tăng cường phối hợp liên bộ để thực hiện các chính sách thích ứng với khí hậu và phòng ngừa tác động của nắng nóng, đồng thời, điều chỉnh chiến lược phù hợp với mức độ dễ bị tổn thương của từng nhóm dân số, cũng như giám sát hiệu quả của các kế hoạch hành động về khí hậu hiện có để phân bổ nguồn lực hợp lý.

Nhiều lao động, bao gồm cả phụ nữ, xem rủi ro sức khỏe do thời tiết cực đoan như một phần tất yếu của công việc hàng ngày. Nhiều người tin rằng các vấn đề sức khỏe do nhiệt độ cao gây ra chỉ đơn giản là đặc thù nghề nghiệp, nên họ không phàn nàn hay tìm kiếm sự giúp đỡ

TS. Vũ Ngọc Anh, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu xã hội quốc gia tại Vương quốc Anh

Dựa trên nghiên cứu chung với TS. Anh, Viện SocialLife tại TP.HCM đã đề xuất ba khuyến nghị chính sách, bao gồm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ sinh kế cho lao động ngoài trời.

Đơn cử, Viện SocialLife đề xuất xây dựng mạng lưới các trạm nghỉ di động tại những khu vực tập trung đông người lao động ngoài trời như chợ, bến xe, khu vực xây dựng; xây dựng một ứng dụng di động giúp người lao động dễ dàng định vị các điểm trú ẩn, trạm nghỉ và nguồn nước uống gần nhất.

Để tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người lao động ngoài trời, theo đơn vị này, cần triển khai một chiến lược toàn diện kết hợp các giải pháp y tế dự phòng, bảo hiểm y tế và cảnh báo sớm về điều kiện thời tiết nguy hại.

Ngoài ra, để tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của người lao động ngoài trời trước tác động của biến đổi khí hậu, cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sinh kế như phát triển các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, tập trung vào các kỹ năng có thể ứng dụng trong môi trường làm việc trong nhà hoặc có điều kiện bảo vệ tốt hơn.

Góp ý thêm vào những kiến nghị này, TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa – xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa dịch vụ miễn phí và có phí để đảm bảo tính bền vững của chính sách.

Ông cũng gợi ý việc chuyển đổi công viên thành “công viên chuyên đề” dành cho lao động ngoài trời, đồng thời tận dụng các trạm xe buýt hoặc quán cà phê để cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi.

Trước khi các giải pháp đề xuất trở thành hiện thực, những người lao động ngoài trời như bà Tú hay anh Ninh vẫn phải đối mặt với các rủi ro với sức khỏe khi nhiệt độ gia tăng, vẫn phải tự mình tìm cách giải quyết các vấn đề sức khỏe phát sinh và vẫn sẽ bấp bênh trong dòng chảy cuộc sống.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/lao-dong-ngoai-troi-chay-dua-voi-bien-doi-khi-hau-d38824.html