Lao động người dân tộc thiểu số ở xã Suối Cát: Được quan tâm đào tạo nghề
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, công tác đào tạo nghề luôn được xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) quan tâm.
Lựa chọn nội dung phù hợp
Chiều cuối tuần, Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn Suối Lau 3 có rất đông người dân đến học nghề trồng cây ăn trái do UBND xã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức. Buổi học bắt đầu bằng phần ôn lại kiến thức. Một số học viên trả lời được ngay câu hỏi của cô Nguyễn Thị Yến - cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Diên Khánh đặt ra về sâu bệnh trên cây chuối, đặc biệt là bệnh sâu lửa (héo rũ Panama). Một số học viên còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm tách cây con khỏi cây mẹ trong vườn thuần sạch bệnh để cây thích nghi tốt hơn, cho trái đều hơn. Từ sâu bệnh trên cây chuối, cô Yến liên hệ tới bệnh thán thư gây hại lá, hoa, trái xoài; rồi dẫn dắt tới sâu bệnh trên cây mít, phương pháp chữa trị và minh họa trực tiếp trên máy chiếu. Những nông dân lâu nay không rờ đến sách vở còn sôi nổi chia sẻ những kinh nghiệm trừ sâu đục thân... Nhờ đó, giờ học lý thuyết không hề tẻ nhạt.
Ông Cao Minh Khuyện (thôn Suối Lau 3) cho biết: "Hai cha con tôi trồng 3ha xoài, mít. Trồng cây thì tôi biết nhưng dùng thuốc gì, dùng lúc nào để trừ sâu an toàn, hiệu quả mà tiết kiệm chi phí thì phải học mới biết. Lớp học như thế này rất thiết thực với nhà nông". Theo ông Cao Thanh Liễu - Trưởng thôn Suối Lau 3, trước khi mở lớp, xã đều phối hợp với thôn khảo sát, đánh giá nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, lớp dạy trồng cây ăn trái mở tại đây thu hút người dân cả 3 thôn Suối Lau tham gia. Lớp dạy nghề may, trồng và chăm sóc cây xoài cao sản cũng đông học viên, bởi những nghề này có thể ứng dụng ngay tại gia đình. Còn cô Yến cho biết, sau khóa học, có học viên đã ghép mắt xoài thành công 80%.
Tiếp tục tổ chức đào tạo nghề
Xã Suối Cát có 7 thôn, trong đó 3 thôn Suối Lau có 100% ĐBDTTS với hơn 2.900 hộ. Cuối năm 2023, toàn xã còn 60 hộ nghèo, 435 hộ cận nghèo, trong đó 44 hộ nghèo, 277 hộ cận nghèo là hộ ĐBDTTS. Để phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND xã rất quan tâm triển khai các giải pháp, trong đó có phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng ĐBDTTS tại 3 thôn Suối Lau. Trên cơ sở kết quả điều tra cung - cầu lao động, UBND xã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Suối Dầu; thành lập tổ truyền thông cộng đồng tại 3 thôn Suối Lau, đến từng nhà vận động người dân học nghề; lập danh sách người đăng ký, người không đăng ký học nghề để đánh giá, bình xét các thôn; chọn địa điểm tổ chức dạy nghề ngay tại các thôn và chọn thời gian học phù hợp với điều kiện của người dân. Xã còn rà soát, lập danh sách người từ 18 đến dưới 40 tuổi chưa qua đào tạo nghề, chưa có việc làm.
Từ năm 2023 đến nay, xã đã tổ chức tuyên truyền cho khoảng 300 lượt người; phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh và đào tạo nghề cho 250 lượt người; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa nước, nuôi bò sinh sản, trồng, chăm sóc cây ăn trái, may công nghiệp… Riêng năm 2024, xã hoàn thành 2 lớp học nghề thợ xây và thợ hàn, 1 lớp dạy trồng và chăm sóc cây xoài cao sản. Đến nay, 50 học viên 2 lớp may công nghiệp được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học. UBND xã còn phối hợp các phòng, ban, trường dạy nghề làm việc với các doanh nghiệp. Qua đó, đã có 40 học viên học nghề may được vào làm tại Công ty May FLD, Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang… Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với các đơn vị liên hệ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 25 học viên.
Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, việc tổ chức các lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn xã được tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân. UBND xã luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động học viên ra lớp. Các trường dạy nghề; các doanh nghiệp cũng nhiệt tình tư vấn, tạo điều kiện tiếp nhận lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho ĐBDTTS tại 3 thôn Suối Lau vẫn còn khó khăn, chủ yếu do người dân chưa hiểu biết đầy đủ về lợi ích của học nghề để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. ĐBDTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số quy định, định mức về hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, phối hợp tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề cho người dân.