Lão nông Khmer tiên phong chuyển hướng nuôi hươu sao

Lão nông người Khmer tại Sóc Trăng tiên phong chuyển hướng nuôi hươu, bước đầu thành công, tạo triển vọng phát triển kinh tế.

Ông Lâm Khên với trại hươu của gia đình.

Ông Lâm Khên với trại hươu của gia đình.

Mô hình mới đầy hứa hẹn

Ông Lâm Khên (70 tuổi, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) trước đây gắn bó với nghề trồng lúa và rau màu. Nhận thấy tiềm năng lớn từ chăn nuôi và để đối phó với biến đổi khí hậu, ông đã chuyển hướng sang nuôi hươu sao.

Vốn là nhà nông, đã từng “lăn lộn” với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, quyết chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, lão nông Khên đã mạnh dạn đầu tư nuôi hươu sao và bước đầu đã thành công.

Ông Lâm Khên tâm sự nếu gia đình chỉ trồng lúa, trồng màu thì chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế tự nhiên của vùng đất thuần nông này. Ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu sẽ khiến cho sản xuất cây lúa, cây màu sẽ gặp khó khăn hơn. Từ đó, ông đã dày công tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao và quyết định đầu tư nuôi hươu sao.

Ông Lâm Khên chia sẻ: “Sau khi tìm được mô hình nuôi hươu sao, tôi tìm hiểu và làm chuồng trại, lên một trại giống ở tỉnh Tiền Giang mua 14 con hươu giống (2 con đực và 12 con cái) về nuôi. Chi phí ban đầu khoảng 1 tỉ đồng.

Sau một thời gian nuôi, đã có hươu cái sinh sản. Hiện trong chuồng còn 16 con. So với các loài vật nuôi khác như trâu, bò, heo, dê, nuôi hươu vốn đầu tư ban đầu cao nhưng nhẹ công chăm sóc, chuồng nuôi không cần phải dọn vệ sinh hằng ngày và cũng không cần làm mùng tránh ruồi, muỗi.

Thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ, các loại lá cây trong vườn, có thêm chuối, bắp, hoặc cám. Dãy chuồng nuôi hươu ông làm nhiều chuồng nhỏ, chủ yếu mỗi con một chuồng. Nền chuồng lót trấu và mạt xơ dừa cao khoảng 20cm để hươu không bị đau chân và đảm bảo vệ sinh, thấm hút chất thải hươu thải ra mỗi ngày.

Hươu cũng ít bị bệnh. Nuôi hươu không cần phải tắm như trâu, bò, cũng không cần dọn chuồng vì có đệm “sinh học” bằng trấu, mạt xơ dừa. Mỗi năm chỉ cần vài lần dọn hốt bỏ lớp trấu, mạt xơ dừa cũ, thay lớp mới là được, chuồng trại luôn sạch sẽ và không có mùi hôi.

 Những chú hươu trong trại hươu của ông Khên.

Những chú hươu trong trại hươu của ông Khên.

Theo ông Khên, hươu ăn ít hơn trâu, bò, dê nên lượng thức ăn không tốn nhiều. Bình quân, mỗi ngày ông cho hươu ăn 3 bữa, chủ yếu là cỏ, lá cây, chuối, bắp. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu, ông chuyển đổi 2 công đất làm lúa sang trồng cỏ Nhật. Ngoài cỏ, hươu còn ăn được các loại thức ăn khác như: lá mít, lá chuối, rau trai, dây khoai lang, bắp cải... Chi phí nuôi hươu không tốn kém nhiều.

Được bao đầu ra, ít rủi ro

Nói về khâu tiêu thụ sản phẩm, ông Khên phấn khởi nói: “Tôi mua giống ở một trại giống trên Tiền Giang và họ cam kết bao tiêu sản phẩm. Hươu đến kỳ cắt nhung, báo cho họ biết là họ mua, mình cắt xong cho vào thùng bảo quản gửi về cho họ, họ chuyển tiền cho mình đầy đủ. Nếu có hươu con muốn bán, họ cũng mua cho mình. Hươu già không thể sinh sản hay cho nhung, muốn bán họ cũng mua. Vì thế, chúng tôi rất yên tâm, không sợ ế sản phẩm”.

Bà Sơn Thị Nê (64 tuổi, vợ ông Khên) cho biết: “Hai con hươu đực đã cho nhung, bán được khoảng 25 triệu đồng với giá 15 triệu đồng/kg. Hươu cái đã đẻ, chúng tôi rất yên tâm với mô hình này.

Việc chăm sóc đàn hươu do hai vợ chồng đảm nhiệm, vừa tiết kiệm công chăm sóc, vừa giảm chi phí nhờ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên và ít gặp rủi ro dịch bệnh”.

Ông Khên dự định mở rộng chuồng trại để tăng đàn hươu. Hươu đực sẽ lấy nhung bán, còn hươu cái sẽ sinh sản, cung cấp nguồn thu nhập từ bán hươu giống. Hiện tại, hươu đực có giá từ 30-35 triệu đồng/con, còn hươu cái từ 20-25 triệu đồng/con.

Bà Châu Thị Muỗi, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng đánh giá cao giá trị kinh tế của mô hình. "Mô hình nuôi hươu sao của ông Lâm Khên mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để nhân rộng mô hình này, tạo điều kiện để bà con tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi và liên kết đầu ra cho sản phẩm.

Địa phương rất ủng hộ và sắp tới sẽ nghiên cứu để nhân rộng mô hình theo điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện để bà con có thể tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi và liên kết đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển đàn hươu, tăng thu nhập cho bà con", Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng nhấn mạnh.

Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNN Sóc Trăng, đánh giá: “Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình ông Lâm Khên là mô hình khá mới tại địa phương. Xét về hiệu quả lâu dài thì việc nuôi hươu lấy nhung đem lại nguồn thu nhập khá tốt tại hộ.

Qua khảo sát đánh giá bước đầu, chúng tôi thấy mô hình này khá phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, đàn hươu phát triển rất tốt. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở hỗ trợ về kỹ thuật, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn hươu nuôi tại hộ để kịp thời có những hỗ trợ cần thiết.

Xuân Lương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lao-nong-khmer-tien-phong-chuyen-huong-nuoi-huou-sao-post693766.html