Lão nông 'thổi hồn' vào tre

Với niềm đam mê chế tác nghệ thuật, lão nông Trần Văn Hùng (60 tuổi, trú xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đã 'thổi hồn' vào tre, lá dừa, 'biến' chúng thành những vật dụng, hình dạng con vật tinh xảo thân thiện với môi trường. Để quảng bá sản phẩm, ông Hùng đã liên kết với các công ty lữ hành đưa khách đến cơ sở của mình tham quan, mua sản phẩm lưu niệm góp phần phát triển du lịch địa phương.

Với niềm đam mê chế tác nghệ thuật, lão nông Trần Văn Hùng (60 tuổi, trú xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đã "thổi hồn" vào tre, lá dừa, "biến" chúng thành những vật dụng, hình dạng con vật tinh xảo thân thiện với môi trường. Để quảng bá sản phẩm, ông Hùng đã liên kết với các công ty lữ hành đưa khách đến cơ sở của mình tham quan, mua sản phẩm lưu niệm góp phần phát triển du lịch địa phương.

Lão nông Trần Văn Hùng đang "thổi hồn" vào tác phẩm được làm từ tre.

Lão nông Trần Văn Hùng đang "thổi hồn" vào tác phẩm được làm từ tre.

Ông Hùng tâm sự, gia đình ông đã có 3 thế hệ gắn bó với nghề làm tranh tre, lá dừa. Từ nhỏ, ông đã được ông bà truyền dạy nghề, nhưng lúc đó ông chỉ làm những công đoạn đơn giản. Năm 1986, sau khi xuất ngũ, ông Hùng quyết định trở về quê hương vực dậy và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Bước đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn, bởi thời gian cầm súng chiến đấu đôi tay không còn điêu luyện như xưa. Quyết tâm không từ bỏ, ông kiên trì mày mò tìm hiểu, vài năm sau, những tác phẩm của ông được nhiều người đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ nghệ thuật cao, đẹp mắt. Từ đó, cơ sở chế tác tranh tre lá dừa của ông Hùng được nhiều người tìm đến mua sản phẩm về lưu niệm. Hơn thế, để phát triển đa dạng các sản phẩm chế tác, ông Hùng còn tìm tòi thêm cách trang trí nội thất từ tre và một số sản phẩm kết hợp khác.

"Việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến với tôi như một cơ duyên. 10 năm trước, trong một lần chẻ nẹp tre, những đoạn tre thừa nhỏ làm tôi tiếc nuối. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng sẽ làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre. Khi lên ý tưởng, tôi đã nhìn những sản phẩm thật, sau đó tìm cách chế tạo những sản phẩm đó từ tre và đầu tiên tôi làm chiếc đèn ngủ. Tôi vẫn còn nhớ, để làm chiếc đèn ngủ mất rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chế tác, tất nhiên là thành công nào cũng phải trải qua biết bao thất bại. Sản phẩm cuối cùng hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn, sau đó tác phẩm này được 1 du khách thích thú ngã giá mua với giá 600 ngàn đồng. Nhận thấy những sản phẩm này cho thu nhập cao nên tôi quyết định dành nhiều thời gian hơn cho việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre"- ông Hùng tâm sự.

Sau khi chế tác thành công các vật dụng, sản phẩm trang trí đơn giản từ tre như: Đèn ngủ, bộ ấm trà, ốp trần, đèn lồng, bàn ghế... ông Hùng tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm đòi hỏi tính kỹ thuật điêu khắc tinh xảo cao hơn như hình dạng con tôm, cá, rồng, đôi chim uyên ương... "Không phải dễ mà tạo ra các sản phẩm như vậy đâu, cái nghề này đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ. Hơn hết là có niềm đam mê đối với nghệ thuật, phải biết "thổi hồn" vào những tác phẩm do mình tạo ra thì nó mới sinh động và tinh tế được. Có nhiều bạn trẻ tìm đến học nghề được vài hôm đã nản lòng mà bỏ ngang"- ông Hùng cười nói.

Tận mắt chứng kiến cảnh ông Hùng "thổi hồn" vào các tác phẩm từ tre chúng tôi mới cảm nhận được sự tinh tế của một người đam mê nghệ thuật. Những gốc tre, thân tre qua bàn tay của ông Hùng bỗng trở nên sống động như thật. Ông Hùng cho biết, tùy theo độ khó, tinh xảo mà mỗi sản phẩm sẽ có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng. Như những con tôm, rồng, ấm trà... mất ít công sức thì bán với giá từ 300-500 ngàn đồng. Còn xe nước được làm bằng tre làm mất 4-5 ngày thì giá phải 4 triệu đồng. Đặc biệt, những bộ bàn ghế tre đặc sắc có giá vài chục triệu đồng.

Tác phẩm được làm từ tre do ông Hùng chế tác rất tinh xảo, đẹp mắt.

Tác phẩm được làm từ tre do ông Hùng chế tác rất tinh xảo, đẹp mắt.

Mỗi ngày, ông Hùng đón rất nhiều khách đến cơ sở để tận mắt xem ông chế tác. Được ông Hùng tận tình hướng dẫn du khách tập tành đục đẽo sản phẩm bằng tre khiến họ rất thích thú, sau đó họ mua sản phẩm về làm quà lưu niệm. Những tác phẩm nghệ thuật từ tre đã giúp lão nông xứ Quảng mỗi tháng thu về từ 30-40 triệu đồng. Thấy vậy, có nhiều công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh hợp tác với ông để đưa du khách đến tham quan. Hiện đang có 1 doanh nghiệp nước ngoài muốn hợp tác sản xuất để "tung" các sản phẩm do ông Hùng chế tác ra nước ngoài vì nó tinh xảo, thân thiện với môi trường nên thị trường tiêu thụ sẽ rất lớn. Tuy nhiên, ông đang suy nghĩ vì sợ sức của mình không thể kham nổi.

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, ông Hùng là một người nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, lá dừa của ông Hùng rất phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng là các sản phẩm này thân thiện với môi trường nên địa phương rất hoan nghênh, tạo điều kiện để cơ sở phát triển sản xuất.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/114_211465_lao-nong-thoi-hon-vao-tre.aspx