Lão nông tiên phong trong phát triển kinh tế

Tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng đức tính cần cù, ham học hỏi đã giúp ông Trần Duy Ngọc (sinh năm 1967), ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh từng bước vươn lên làm giàu trên quê hương. 'Quả ngọt' cho những nỗ lực của ông là đến nay, mô hình kinh tế mang lại nguồn thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Ông Ngọc cho đàn cá ăn -Ảnh: T.P

Ông Ngọc cho đàn cá ăn -Ảnh: T.P

Qua lời chỉ dẫn tận tình của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến gia trại chăn nuôi của gia đình ông Ngọc. Lúc này, ông đang bận rộn dọn vệ sinh chuồng gà, đổ thêm thức ăn cho cá. Ông cho biết toàn bộ diện tích của gia trại rộng chừng 0,6 ha. Hơn 20 năm về trước, khi nhiều hộ gia đình chỉ tập trung làm ruộng để phát triển kinh tế, vợ chồng ông đã bàn nhau đào 2 hồ, mua nhiều loại cá về thả nuôi như: cá rô phi, cá trê, cá lóc... Trung bình mỗi năm, gia đình ông thả hơn 5.000 con cá/2 hồ.

Theo ông Ngọc, đây đều là những loại cá nước ngọt dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa, thức ăn cho cá chủ yếu là ốc, cá tạp đều do ông tự tay đánh bắt nên cá luôn chắc thịt, thơm ngon, được tiêu thụ rất nhanh. Ngoài diện tích nuôi cá, ông dành trên 200 m2 đất để nuôi gà. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, ông Ngọc cho biết, bản thân từng trải qua nhiều khó khăn trong thời gian đầu.

“Vì chưa có kinh nghiệm nên đã có thời điểm, gà của tôi mắc dịch bệnh mà chết sạch, thiệt hại lớn. Tuy nhiên, không thấy khó mà lui, tôi xem tivi, nhất là chuyên mục “Chuyện nhà nông” trên VTV1 để nghe chuyên gia tư vấn; tăng cường đọc sách báo, đi hỏi thăm những người có kinh nghiệm nuôi gà trong vùng. Vừa nuôi, tôi vừa tự rút ra bài học cho mình. Hiện gia đình tôi nuôi khoảng hơn 200 con gà. Lúc nhiều nhất, tổng số gà đạt đến 400 con”, ông Ngọc nói.

Giới thiệu với chúng tôi về “khối tài sản” khác là 7 con bò, ông kể, năm 2012, từ số tiền tích góp được, vợ chồng ông đầu tư mua 4 con bò. Qua mỗi năm, bò sinh sản và phát triển tốt. Những con khỏe mạnh được vợ chồng ông giữ lại làm “của để dành”.

Chỉ về những diện tích đất thừa được phủ xanh bởi cây cỏ, sắn, chuối trong gia trại, ông Ngọc bộc bạch: “Để đất hoang thì phí lắm nên tôi và các con tranh thủ thời gian trồng để làm thức ăn thêm cho vật nuôi. Nhờ vậy, mỗi khi trời trở mưa gió, chẳng còn phải lo thiếu thức ăn cho đàn vật nuôi nữa”.

Vinh Quang Thượng vốn là địa phương thuần nông, thế nên bên cạnh phát triển chăn nuôi, ông Ngọc vẫn làm ruộng, trồng lúa. Hiện, tổng diện tích lúa mỗi năm của gia đình ông đạt 2 ha. Để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và các hộ dân trong vùng, năm 2021, gia đình ông đầu tư tiền mua máy gặt. Nhờ vậy mà mỗi mùa vụ, công cụ này giúp ông kiếm được nguồn thu hàng chục triệu đồng.

Đặc biệt, đầu năm 2024, thông qua sự tuyên truyền, gợi ý của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Gio Quang, ông Ngọc trở thành hộ nông dân duy nhất trong thôn mạnh dạn chuyển đổi trồng 2 sào khoai lang ruột vàng trên đất trồng lúa bạc màu.

“Đất vùng này là đất pha cát nên khoai lang luôn thơm ngon, vỏ mỏng, ngọt bùi hơn ở những vùng khác. Tận dụng lợi thế này, gia đình tôi trồng thử 2 sào khoai lang. Chỉ sau khoảng 4 tháng trồng, vợ chồng tôi thu hoạch được 6 tạ khoai lang ruột vàng và nhanh chóng bán đi trong vòng ít ngày, thu lại khoảng 6 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, một số nhà quanh đây đã đến hỏi thăm xin giống. Hiện tôi đang ươm giống khoai cho gia đình và những ai có nhu cầu để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo”, ông Ngọc chia sẻ.

Hiện ông Ngọc đang ấp ủ nhiều dự định, trong đó có việc xây dựng kiên cố chuồng trại, mua thêm vịt về nuôi. Nhận xét về hội viên nông dân năng động này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Quang Hoàng Thị Nga cho hay: “Ông Ngọc là người tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do hội nông dân các cấp phát động. Trong phát triển kinh tế, ông cũng luôn đi đầu thực hiện nhiều mô hình hay, đạt hiệu cao, được nhiều hội viên tìm đến học tập”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/lao-nong-tien-phong-trong-phat-trien-kinh-te-187136.htm