Lập chuyên án điều tra hành vi dùng hóa chất hủy hoại rừng Tà Cú
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai trước tình trạng chặt phá, hủy hoại cây rừng bằng hóa chất để chiếm đất trồng thanh long tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.
Lập chuyên án điều tra hành vi d
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo Công an huyện lập chuyên án đấu tranh phòng, chống tình trạng phá rừng, hủy hoại cây rừng bằng hóa chất tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú để điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; đưa ra xét xử những vụ án điểm tại khu vực có tình hình phức tạp để răn đe, ngăn ngừa chung. Giao UBND huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã giáp ranh khu bảo tồn tăng cường phối hợp trong kiểm tra, xác định, phân loại rõ từng đối tượng để quản lý, giám sát chặt chẽ. Yêu cầu các hộ dân đang canh tác ven rừng ký cam kết không cơi nới, không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp và không được chuyển đổi cây trồng trên đất lâm nghiệp trái phép, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng để người dân nắm bắt, chấp hành; chủ động rà soát, bố trí lực lượng kiểm lâm về cơ sở; có phương án tổ chức lực lượng tuần tra, mai phục ban đêm tại khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng hoặc đã xảy ra phá rừng nhưng chưa xác định đối tượng. Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Hàm Thuận Nam nghiên cứu các quy định về cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng rừng đặc dụng để tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp thẩm quyền có giải pháp quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.
Trước đó (12/5), Báo Bình Thuận có bài ““Bức tử” cây rừng ở Khu bảo tồn Tà Cú. Bài báo phản ánh tình trạng cưa hạ, sử dụng hóa chất đầu độc cây rừng tại xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), trên lâm phần quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, với diện tích khoảng 3.500 m2 để chiếm đất trồng thanh long. Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên rừng Tà Cú ở xã Tân Thuận bị cưa hạ, đầu độc. Năm 2018, tại khu vực này cũng xảy ra 8 vụ phá rừng, hủy hoại rừng trên diện tích 1,2 ha, để chiếm đất. Khi lấy mẫu cây rừng bị chết, cơ quan chức năng xác định tất cả các mẫu đều có tồn dư hợp chất glyphosate – một hợp chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ phổ rộng không chọn lọc. Năm 2019, rừng Tà Cú xảy ra 41 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Qua đo đạc, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú xác định có 41 trường hợp trồng thanh long, xây nhà trong khu bảo tồn với diện tích 24,5 ha. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã lập hàng chục hồ sơ, đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan vào cuộc truy tìm đối tượng (kể cả 8 vụ phá rừng ở xã Tân Thuận), có vụ đã khởi tố, nhưng phần lớn đều không tìm ra thủ phạm.
HỮU PHÚC