Lắp cửa chắn nước cho ga ngầm metro số 1
Cửa vào ga ngầm tuyến metro số 1 được thiết kế 2 bậc cấp và các tấm ngăn nước cao từ 300mm-900mm để chống ngập khi mưa lớn.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) vừa lắp đặt các cửa ngăn nước tại 3 ga ngầm của tuyến metro số 1: Bến Thành, Nhà hát TP.HCM và Ba Son.
Hạng mục này nhằm ngăn ngập nước tại các ga ngầm trong trường hợp mưa lớn, ngập lụt nghiêm trọng.
Tiêu chuẩn thiết kế cửa chắn nước tương đồng với thiết kế tại các ga ngầm ở Nhật Bản, cao tương ứng từ 300mm đến 900mm. Ngoài ra, một mái che được cung cấp dọc theo toàn bộ chiều dài cửa mở để tránh mưa.
Theo kịch bản ứng phó, nếu nước dâng cao vượt qua tấm ngăn nước, trước tiên, dùng bao cát hút thấm nước hoặc những máy bơm công suất lớn sẽ bơm nước từ nhiều bể thu nước dưới các tầng ngầm xả ra bên ngoài.
Trong lúc chặn nước xâm nhập vào nhà ga, lực lượng cứu hộ sẽ sơ tán khẩn cấp hành khách tại các tầng thấp hoặc chuyển đến khu vực cao hơn tại các lối thoát hiểm.
Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và là một trong 8 tuyến thuộc hệ thống metro của TP.HCM theo quy hoạch chung TP.HCM.
Metro số 1 hiện đạt khoảng 95% tổng khối lượng. Toàn dự án đã có 17/17 đoàn tàu với 51 toa được nhập từ Nhật Bản về TP.HCM.
Hồi cuối tháng 8/2022, đoàn tàu đầu tiên trong số 17 đoàn tàu metro được vận hành thử nghiệm trên 300m đường ray.
Đến cuối tháng 12/2022, đoàn tàu tiếp tục được thử nghiệm gần 20km đoạn trên cao. Tháng 4 năm nay, đoàn tàu lần nữa được chạy thử với sự tham gia của 2.000 người dân thành phố.
Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 với cam kết của chủ đầu tư là không phát sinh chi phí.