Lập hội đồng thẩm định quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội
Các hướng tuyến, quy hoạch ga đường sắt đầu mối thành phố Hà Nội sẽ được thẩm định nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo nhu cầu đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội.
Hội đồng gồm các thành viên là lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng); Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an); Vụ Phát triển hạ tầng đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng); Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Kế hoạch-tài chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương); Vụ Công nghệ và hạ tầng (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp); Sở Giao thông Vận tải Hà Nội; Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội; Sở Xây dựng Vĩnh Phúc; các sở giao thông vận tải tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên và lãnh đạo một số cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông Vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho các thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình làm việc và bảo đảm các điều kiện công tác, kinh phí hoạt động của Hội đồng theo quy định.
Tại dự thảo quy hoạch tuyến đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất cải tạo, duy trì hoạt động 5 tuyến đường sắt hướng tâm hiện có gồm: Hà Nội-Đồng Đăng (nâng cấp thành đường đôi, khổ 1.435mm). Các tuyến còn lại Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Hải Phòng; Hà Nội-Lào Cai; Hà Nội-Thái Nguyên là đường đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm.
Quy hoạch cũng xác định mục tiêu xây dựng mới 4 tuyến trên các hành lang gồm: Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh (đường sắt tốc độ cao); Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn; Hà Nội-Quảng Ninh (trên cơ sở tuyến Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân). Phát triển hệ thống đường sắt vành đai đi dọc theo đường bộ Vành đai 4 gồm: Vành đai phía Đông kết nối từ Ngọc Hồi-Lạc Đạo-Bắc Hồng-Thạch Lỗi; Vành đai phía Tây kết nối từ Ngọc Hồi-Thạch Lỗi.
Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất quy hoạch Ga Yên Viên là ga đầu mối vận tải hành khách đối với các tàu hướng Tây, Tây Bắc, Bắc. Ga Yên Thường là ga đầu mối phía Bắc lập tàu hàng cho đường sắt khu vực Bắc sông Hồng gồm các tuyến đi: Lạng Sơn, Cái Lân, Thái Nguyên, đảm nhận chức năng ga lập tàu cho toàn bộ các tuyến phía Bắc, Tây Bắc, Tây. Ga Bắc Hồng là ga trung gian có chức năng đón gửi tàu khách, tàu hàng thông qua ga.
Ga lập tàu phía Nam được quy hoạch tại tổ hợp Ga Ngọc Hồi gồm các chức năng tổ chức đón tiễn hành khách tàu đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, tổ chức xếp dỡ hàng hóa, đón gửi tàu khách, tàu hàng, tác nghiệp kỹ thuật đầu máy toa xe…/.