Lấp 'khoảng trống' giữa bằng cấp và thực hành
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam chưa có một kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề y như nhiều nước tiên tiến.

Theo Bộ Y tế, năm 2024, có khoảng 12.000 bác sĩ tốt nghiệp từ 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên cả nước. Ảnh minh họa
Lần đầu tiên Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh cấp quốc gia vào năm 2027, đánh dấu bước chuyển lớn trong công tác quản lý nhân lực y tế.
Lộ trình thực hiện đánh giá năng lực
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam chưa có một kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề y như nhiều nước tiên tiến. Việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia nhằm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo chuẩn quốc tế, tạo ra hệ thống kiểm định độc lập, khách quan.
Việc có một cơ quan đánh giá độc lập sẽ buộc các cơ sở đào tạo y khoa nâng cao chất lượng giảng dạy và đầu ra, tránh tình trạng đào tạo “ồ ạt”. Qua đó, chỉ những người đủ trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp mới được cấp giấy phép hành nghề.
“Hội đồng Y khoa quốc gia khẩn trương xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quy trình đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở khoa học, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và sự phát triển của quốc tế…
Đồng thời, cần phối hợp với các cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các hội chuyên ngành y khoa để tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm sinh viên y khoa trên toàn quốc khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn năng lực, có thể hành nghề một cách độc lập và an toàn”, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.
Về lộ trình thực hiện đánh giá năng lực với các chức danh chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1/1/2027 sẽ đánh giá năng lực đối với chức danh bác sĩ. Từ ngày 1/1/2028, đánh giá năng lực đối với các chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh. Đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng, việc đánh giá năng lực sẽ được thực hiện từ 1/1/2029.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia có nhiệm vụ đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho 8 chức danh, bao gồm: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong xu thế toàn cầu hóa, việc chuẩn hóa năng lực bác sĩ và các chức danh y tế là yêu cầu cấp thiết để công nhận bằng cấp, chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện cho nhân lực y tế Việt Nam có thể hành nghề ở nước ngoài và ngược lại.
Không chỉ là yêu cầu hội nhập, kỳ thi còn là giải pháp cấp thiết để bảo vệ người bệnh và bảo đảm chất lượng chuyên môn trong hệ thống khám chữa bệnh vốn đang chịu nhiều áp lực từ quá tải, sai sót y khoa và sự thiếu đồng đều về chất lượng đào tạo.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2024, có khoảng 12.000 bác sĩ tốt nghiệp từ 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên cả nước. Trong số đó, không ít cơ sở đào tạo chưa bảo đảm chuẩn đầu ra, tạo nên khoảng cách lớn giữa bằng cấp và năng lực thực hành.
Bước tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Tại Hội thảo quốc tế về giáo dục y khoa với chủ đề “Kỳ thi cấp phép hành nghề y - quản trị, chính sách và thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ thi cấp phép hành nghề y là bước đổi mới chiến lược, được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) 2023.
Đây là một phần trong lộ trình chuẩn hóa nguồn nhân lực y tế, nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ, đảm bảo hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y khoa. Đội ngũ nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ, không chỉ là trụ cột của hệ thống y tế, mà còn là yếu tố quyết định chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Hội đồng Y khoa quốc gia - một cơ quan độc lập do Thủ tướng thành lập - đã và đang xây dựng các nền tảng cần thiết cho việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh như: Kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự của Hội đồng Y khoa quốc gia, Văn phòng Hội đồng Y khoa quốc gia và các ban chuyên môn;
Lập kế hoạch xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng quy trình tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề và đặc biệt, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu những mô hình tổ chức từ các quốc gia tiên tiến.
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng ban xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh, chia sẻ lâu nay, để được hành nghề, các y, bác sĩ sau khi tốt nghiệp phải trải qua quá trình thực hành ở cơ sở, sau đó nộp hồ sơ xin cấp phép. Tuy nhiên, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, từ năm 2027, ngoài các điều kiện trên, họ phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức.
Ông Trần Diệp Tuấn đánh giá, đây là một bước tiến để nâng cao chất lượng đào tạo, khám chữa bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Nguyên tắc là những người đã được cấp chứng chỉ hành nghề trước năm 2027 thì vẫn sử dụng bình thường, không cần phải thi lại.
Cũng tại Hội thảo quốc tế về giáo dục y khoa với chủ đề “Kỳ thi cấp phép hành nghề y - quản trị, chính sách và thực tiễn”, GS An Shinki - Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhấn mạnh, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế là then chốt tạo nên chất lượng dịch vụ y tế. Trong đó, kỳ thi quốc gia chính là công cụ sàng lọc quan trọng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lap-khoang-trong-giua-bang-cap-va-thuc-hanh-post738946.html