Lập lại trật tự giao thông trong kỷ nguyên mới (Bài 1)

Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình giao thông tại Đồng Nai đã có những chuyển biến sâu rộng và mang tính đột phá, đánh dấu nỗ lực xây dựng một môi trường giao thông an toàn, trật tự và dần hình thành văn hóa giao thông. Đặc biệt, hàng loạt 'cải cách' về tổ chức bộ máy, đơn vị thực thi, phân cấp quản lý đến quy định pháp luật đã tác động tích cực đến thói quen tham gia giao thông của người dân, đặt việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) làm trọng tâm.

Bài 1: Quy định mới hướng tới an toàn

Liên tục trong 4 tháng đầu năm 2025, hàng loạt quy định mới về lĩnh vực giao thông có hiệu lực, tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo ATGT. Điển hình là Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024, Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định số 168/NĐ-CP/2024 ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168).

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các phương tiện di chuyển trên đường 518 (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các phương tiện di chuyển trên đường 518 (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Thay đổi thói quen xấu khi tham gia giao thông

Ngã tư cầu Hiệp Hòa (giao giữa đường Đặng Văn Trơn, Đỗ Văn Thi và cầu Hiệp Hòa, thuộc phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) là khu vực luôn đông đúc phương tiện lưu thông ra vào trung tâm thành phố Biên Hòa mỗi ngày. Khác với những năm trước đây, trong 4 tháng đầu năm 2025, phần lớn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm hệ thống đèn tín hiệu tại ngã tư này, việc các xe máy rẽ phải khi đèn đỏ rất hiếm gặp (giao lộ này không cho phép rẽ phải khi đèn đỏ).

Anh Vũ Quốc Khánh (ngụ phường Hiệp Hòa) bày tỏ: “Trước đây, khi gặp đèn đỏ, phần lớn mọi người đều “mặc định” xe 2 bánh được rẽ phải. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông đã có thay đổi rõ rệt, thể hiện qua những hành động nhỏ nhất như dừng chờ đèn đỏ nghiêm túc, đúng vạch. Việc này về lâu dài sẽ dần thay đổi hành vi của mỗi người theo hướng tích cực hơn”.

Trong Công văn số 227/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ ngày 27-2-2025 về bảo đảm trật tự ATGT năm 2025, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương xác định rõ những hành vi là nguyên nhân trực tiếp và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vụ TNGT. Trong đó cần phân tích các nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân gốc (đặc biệt là rà soát các bất cập về quy định pháp luật) dẫn tới TNGT để phòng ngừa các vụ TNGT tương tự trong thời gian tới.

Cùng với đó, tại một số giao lộ trọng điểm tại thành phố Biên Hòa như: ngã tư Tân Phong, ngã tư Vũng Tàu, ngã tư Amata…, phần đông người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định về đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, biển báo giao thông. Dọc quốc lộ 1 và quốc lộ 51 qua thành phố Biên Hòa, tình trạng người điều khiển xe máy đi ngược chiều đã dần được hạn chế hơn so với năm 2024.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, đây là kết quả bước đầu khi nhiều quy định mới về giao thông đường bộ được áp dụng từ đầu năm 2024, cụ thể như: Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024, Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định 168… Trên thực tế, trong 3 tháng áp dụng Nghị định 168, tình hình vi phạm trật tự ATGT trên toàn tỉnh đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2024.

Cụ thể, từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-3, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã bố trí gần 6,5 ngàn ca tuần tra kiểm soát giao thông; qua đó phát hiện, lập biên bản hơn 25,7 ngàn trường hợp vi phạm. Một số hành vi vi phạm chủ yếu là: vi phạm tốc độ (hơn 12,5 ngàn trường hợp); vi phạm nồng độ cồn (hơn 2,4 ngàn trường hợp)… So với cùng kỳ năm 2024, giảm hơn 36 ngàn trường hợp vi phạm. Các hành vi vi phạm thường gặp cũng giảm mạnh như: giảm hơn 17,7 ngàn trường hợp chạy quá tốc độ; giảm gần 5,5 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn…

Không chỉ vậy, trong 3 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị định 168, tình hình TNGT đường bộ cũng giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Cụ thể, trong 3 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ TNGT đường bộ, làm chết 103 người, bị thương 43 người; so với cùng kỳ năm 2024, giảm 43 vụ (giảm 24,57%), giảm 24 người chết (giảm 18,89%), giảm 49 người bị thương (giảm 53,26%).

Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thượng tá Trần Trọng Thủy đánh giá, Nghị định 168 nhanh chóng tạo ra những tác động đáng kể đến ý thức, thói quen của người tham gia giao thông. Những kết quả ban đầu cho thấy quy định mới mang lại nhiều tác động tích cực, hướng tới việc tăng cường trật tự và ATGT. Khi lực lượng cảnh sát giao thông thực thi nghiêm túc các quy định mới đã góp phần xây dựng tình hình giao thông văn minh, trật tự và an toàn hơn.

Quy định đã rõ, xử phạt phải nghiêm

Có được kết quả nói trên là nhờ các quy định mới tăng cao mức xử phạt; thực hiện nghiêm việc tước giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe. Điển hình như, người điều khiển xe ô tô có các hành vi như: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (mức phạt cũ là từ 4-6 triệu đồng).

Cùng với đó, Nghị định 168 còn đưa ra các lỗi bị tước giấy phép lái xe với thời hạn tước từ 22-24 tháng như vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (80 miligam/100 mililit máu hoặc trên 0,4 miligam/lít khí thở); điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; điều khiển xe chạy một bánh đối với xe 2 bánh, chạy bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh...

Đồng thời, theo Nghị định 168, các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe nặng (thường là 10 điểm) bao gồm các trường hợp gây tai nạn giao thông khi vi phạm các lỗi sau: vượt đèn đỏ hoặc đèn vàng khi không được phép; đi sai làn đường hoặc phần đường; chạy quá tốc độ quy định; đi ngược chiều…

Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), đại tá Nguyễn Quang Nhật nhận định, với những hành vi mang tính cố ý, có tính chất nguy hiểm và là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, việc tăng mức xử phạt là cần thiết nhằm bảo đảm tính răn đe. Để việc xử phạt được “thuyết phục”, lực lượng chức năng sẽ sử dụng hệ thống camera để ghi hình làm căn cứ xử lý người vi phạm.

Để đồng bộ việc xử lý vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân, Công an tỉnh đã liên tục yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường kỷ luật hành chính, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Cụ thể là kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; bảo đảm trật tự ATGT, tạo sự an toàn, ổn định nhất cho người dân tham gia giao thông.

Chị Đào Minh Trang (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho rằng, khi xây dựng được ý thức, môi trường giao thông an toàn sẽ giúp người dân yên tâm hơn, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại khi không còn lo ngại các hành vi nguy hiểm đe dọa; cùng với đó sẽ góp phần hạn chế TNGT, đem lại sự an tâm cũng như giảm bớt những mất mát đau thương cho gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, để những kỳ vọng này trở thành hiện thực, việc triển khai và thực thi các quy định mới về ATGT cần được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của người dân sẽ là những yếu tố then chốt để các quy định mới về trật tự ATGT đi vào cuộc sống và tạo ra những tác động tích cực từ ý thức đến thực tế trên đường.

Đăng Tùng

Bài 2: Đa dạng kiểm soát, chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202505/lap-lai-trat-tu-giao-thong-trong-ky-nguyen-moi-bai-1-80b0892/