Lập nghiệp ở quê nhà

PTĐT - 'Bỏ phố về quê' đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để bắt đầu con đường lập nghiệp. Họ có trình độ, có tay nghề cao và được mời chào bằng nhiều cơ hội hấp dẫn ở thành phố. Thế nhưng, họ chọn về quê để tự tay hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương mình.

Bác sĩ Lê Thị Thùy Dung thăm, khám cho bệnh nhân tại Khoa hồi sức - cấp cứu, bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ.

Bác sĩ Lê Thị Thùy Dung thăm, khám cho bệnh nhân tại Khoa hồi sức - cấp cứu, bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ.

PTĐT - “Bỏ phố về quê” đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để bắt đầu con đường lập nghiệp. Họ có trình độ, có tay nghề cao và được mời chào bằng nhiều cơ hội hấp dẫn ở thành phố. Thế nhưng, họ chọn về quê để tự tay hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương mình.

Sinh năm 1996 tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, Lê Thị Thùy Dung tốt nghiệp loại giỏi hệ đào tạo chính quy của trường Đại học y dược Thái Nguyên. Thành tích học tập giúp Thùy Dung có cơ hội được giữ lại trường để làm giảng viên. Cô gái nhỏ nhắn đã không chọn công việc đứng trên bục giảng mà về Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ để trở thành bác sĩ. Thùy Dung gây ấn tượng bởi vóc dáng nhỏ bé nhưng đầy ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên. Chị chia sẻ: “Giảng viên hay bác sĩ đều là những trọng trách cao quý nhưng mình muốn trở thành bác sĩ giỏi để thực hiện sứ mệnh chữa bệnh, cứu người như những dự định mình ấp ủ từ khi còn ngồi trên giảng đường” .

Khi được hỏi tại sao không lựa chọn những thành phố lớn là nới thử sức, trau dồi kinh nghiệm bản thân. Thùy Dung thẳng thắn cho rằng, nếu để thăng tiến và kiếm tiền thì mình sẽ chọn thành phố là bến đỗ, nhưng để cống hiến, tôi luyện bản thân thì mình sẽ chọn quê hương. Vì ở nơi nào bệnh nhân cũng cần các bác sĩ có tay nghề cao, được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng tốt. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì nhân lực là yếu tố then chốt

Chia sẻ của Thùy Dung cũng là những trăn trở của ngành y tế trong vấn đề bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ, nhất là các bác sĩ trẻ. Những năm trở lại đây, chính sách thu hút nhân tài ở các bệnh viện tuyến dưới là một giải pháp căn cơ trong việc giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong vòng ba năm trở lại đây, Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ đã tuyển dụng mới 29 bác sĩ có trình độ đại học. Trong đó, 14 bác sĩ được thu hút theo chính sách đãi ngộ nhân tài. Cụ thể, bệnh viện gửi công văn đến các trường đại học y, dược trên cả nước với các mức thu hút hấp dẫn. Ví dụ: Bác sĩ đa khoa hệ 6 năm tốt nghiệp loại khá khi về đơn vị công tác sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng, tốt nghiệp loại giỏi là 60 triệu đồng, bác sĩ nội trú là 200 triệu đồng...

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ cho biết: “Bệnh viện luôn xác định nhân lực là yếu tố sống còn và đội ngũ bác sĩ là mũi nhọn. Để làm tốt công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân thì đội ngũ bác sĩ phải vừa có trình độ chuyên môn sâu lại vừa tiếp cận nhanh chóng với các phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại. Song hành cùng các chính sách tuyển dụng, thu hút hấp dẫn thì môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện, có cơ hội thể hiện bản thân sẽ là động lực để giữ chân bác sĩ giỏi gắn bó với đơn vị”.

Anh Nguyễn Đức Vương hoàn thiện công đoạn cuối cùng cho các sản phẩm từ tre, trúc...

Anh Nguyễn Đức Vương hoàn thiện công đoạn cuối cùng cho các sản phẩm từ tre, trúc...

Rời thị xã Phú Thọ, chúng tôi tìm đến xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, nơi có một người thanh niên từ bỏ công việc và mức lương cao để về quê khởi nghiệp với đồ tre trúc. Anh là Nguyễn Đức Vương, sinh năm 1986, hiện đang là chủ xưởng sản xuất đồ tre VNS Bamboo. Từng là phiên dịch viên cho các công ty nước ngoài có mức lương khởi điểm đáng mơ ước nhưng vẫn nung nấu ý định trở thành ông chủ, anh về xã mở xưởng may phục vụ xuất khẩu. Trong hai năm, xưởng may thua lỗ hơn 4 tỷ đồng. Trải qua một lần thất bại, anh mày mò học làm ống hút từ cây nứa tép. Vốn nhạy cảm với thị trường, cảm giác rằng loại ống hút và các đồ gia dụng từ tre, trúc thân thiện với môi trường sẽ là xu hướng, anh vót vét chút tiền dành dụm cuối cùng lao vào mở xưởng.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, trận mưa đá đầu năm 2020 đã làm sập xưởng sản xuất, hư hại một số máy móc, đồ dùng. Không chùn bước, anh thu dọn những thứ còn sót, quyết làm lại từ đầu. Sau nửa năm, những đơn hàng và phản hồi tốt của khách hàng đều đặn chuyển về như khẳng định hướng đi của anh là đúng đắn. Hiện tại, xưởng đang sản xuất nhiều mặt hàng từ tre như ống hút, cốc, bộ ấm chén, bình nước... với doanh thu năm 2020 xấp xỉ 1 tỷ đồng.

…và ấm chén từ tre, sản phẩm bán chạy nhận được nhiều đánh giá cao của khách hàng.

…và ấm chén từ tre, sản phẩm bán chạy nhận được nhiều đánh giá cao của khách hàng.

Anh Nguyễn Đức Vương cho biết: “Dự định sắp tới của tôi là thành lập một hợp tác xã về đồ tre, trúc, mở ra một nghề mới, góp phần thoát nghèo cho bà con nông dân nơi đây, một hướng đi mới về ngành nghề đồ gia dụng thân thiện với môi trường mang thương hiệu vùng Đất Tổ”.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của thanh niên song hành cùng các chính sách đào tạo, thu hút, khuyến khích nhân tài sẽ là chìa khóa để giải bài toán về nguồn nhân lực trình độ cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202102/lap-nghiep-o-que-nha-175583