Lập pháp chủ động

Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, trên cơ sở thành công của Kỳ họp đầu tiên trong năm mới 2024, tiếp tục phát huy tinh thần 'lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển', để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trên thực tế, tinh thần “lập pháp chủ động” thể hiện rất rõ nét trong chặng đường đã qua của Quốc hội Khóa XV. Một ví dụ là, ngay đầu nhiệm kỳ, triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trong đó, phân công nhiệm vụ lập pháp và tiến độ cụ thể để Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện. Các nhiệm vụ lập pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng sau khi nắm bắt và xác định rõ các vấn đề phát sinh trong cuộc sống cần được điều chỉnh bằng quy định pháp luật.

Một dẫn chứng sinh động khác là Quốc hội đã tăng cường hoạt động tham vấn trong quá trình thực hiện chức năng lập pháp nhằm tăng chất lượng các dự thảo luật ở “công đoạn Quốc hội", đặc biệt là đối với những vấn đề phức tạp, tính kỹ thuật cao, hoặc có sự khác biệt về quan điểm. Ví dụ, có chuyên gia cho biết, ngay trong buổi sáng khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tham vấn thêm nhóm chuyên gia về một nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh. Đây là nội dung có ý kiến khác nhau và một hiệp hội trong nước có văn bản gửi Quốc hội đề nghị xem xét thêm. Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến do các chuyên gia không có mặt ở Hà Nội cho thấy sự đổi mới về cách thức làm việc của Quốc hội: xắn tay áo làm ngay, không trì hoãn và sử dụng các công nghệ mới (họp trực tuyến) để tăng hiệu quả.

Hoặc, với Luật Đất đai - vì tầm quan trọng và tính chất phức tạp của nó, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội thường xuyên họp trực tiếp với các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đã triệu tập cuộc họp với các chuyên gia và đại diện một số địa phương chỉ để tham vấn về một nội dung, đó là “tổ chức phát triển quỹ đất, dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư”. Cuộc họp không chỉ cho thấy tinh thần “lập pháp chủ động” mà còn thể hiện sự cầu toàn, mong muốn bảo đảm chất lượng cao nhất có thể của lãnh đạo Quốc hội đối với một dự án luật có ý nghĩa lớn với sự phát triển của đất nước và tác động sâu rộng đến người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Trong giai đoạn tới, tinh thần “lập pháp chủ động” của Quốc hội càng quan trọng và cần thiết hơn, khi mà các vấn đề chính sách, pháp lý phải xử lý có độ phức tạp lớn hơn, đi vào trong “lõi thể chế” của cải cách. Mặt khác, những thách thức kỹ thuật còn phức tạp hơn nữa khi mọi bước đi đều phải tính toán đến môi trường quốc tế, đến yếu tố địa chiến lược và địa chính trị; cũng như những cam kết và ràng buộc sâu sắc trong các khuôn khổ thương mại, pháp lý mà Việt Nam ký kết tham gia.

Cùng với đó, chính sách kinh tế tới đây ngoài việc hướng đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế thì còn cần ưu tiên thỏa đáng cho kinh tế số. Giải những bài toán về tài sản số, về thuế; về hợp tác công - tư trong đầu tư hạ tầng kết nối và hạ tầng dữ liệu; về thương mại số xuyên biên giới, về xử lý tranh chấp trên môi trường số… là những công việc nặng nề.

Trong bối cảnh như vậy, yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tinh thần “lập pháp chủ động” đòi hỏi từng đại biểu và các cơ quan của Quốc hội đã dấn thân phải dấn thân hơn nữa, đã trách nhiệm phải trách nhiệm hơn nữa trong từng khâu, từng việc của hoạt động lập pháp. Đồng thời, yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội cũng tạo ra áp lực cần thiết đối với Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc nâng cao chất lượng của khâu “thiết kế” văn bản pháp luật. Bởi lẽ, một công trình đã mắc lỗi ở khâu thiết kế (công đoạn Chính phủ) thì những cố gắng ở khâu thi công (công đoạn Quốc hội) không phải bao giờ cũng mang lại kết quả như mong muốn!

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/lap-phap-chu-dong-i357959/