Lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm có lãng phí?

Theo các đại biểu Quốc hội, cần hết sức cân nhắc sự cần thiết cũng như tính hiệu quả của việc lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cân nhắc lùi thời hạn báo cáo

Tại phiên thảo luận Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa), các ĐBQH cơ bản tán thành với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (gọi tắt là dự án Luật).

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng theo đại biểu, thế giới đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp; xu hướng tăng kiểm soát phát thải khí nhà kính diễn ra trên toàn cầu; các quy định về “hộ chiếu xanh” hay “truy vết carbon” đối với sản phẩm hàng hóa khi vào thị trường một số quốc gia đặt ra yêu cầu các nước xuất khẩu phải đáp ứng đối với "hàng rào kỹ thuật" này…

Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Điều này cũng góp phần để cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật quy định "Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong từng ngành công nghiệp, trừ các ngành tại khoản 4 Điều này".

Khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định "Bộ Xây dựng ban hành định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong ngành sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng", chưa có nội dung quy định về ban hành quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng.

Đại biểu đề nghị, cần bổ sung khoản 4 theo hướng giao Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, để không tạo khoảng trống pháp luật.

Về thời gian ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, dự thảo Luật quy định: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hai năm một lần và gửi Bộ Công Thương tổng hợp. Trong khi đó, luật hiện hành quy định là một năm một lần.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi, hiện nay chúng ta đã mở rộng áp dụng công nghệ số trong quản lý; việc thu và thanh toán tiền điện được thực hiện theo tháng. Từ đó, đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành là ban hành danh sách một năm một lần để bảo đảm quyền và lợi ích của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

“Quy định như hiện tại cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ các cơ sở sử dụng năng lượng tại các đơn vị có sản lượng tiêu thụ lớn; giúp kiểm soát, minh bạch các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế, giảm phát thải.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về phía doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận các chính sách ưu đãi về sử dụng năng lượng tiết kiệm, chủ động kiểm soát các rủi ro về chính sách, pháp luật”, đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng tỏ ý băn khoăn với việc dự thảo Luật lùi thời gian lập, báo cáo danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hai năm một lần. Cần lý giải rõ cách làm như hiện tại là một năm một lần thì có bất cập gì để phải chuyển sang hai năm một lần, từ đó mới có sức thuyết phục.

Biện pháp hành chính cần thiết, nhưng chưa đủ

Một nội dung được các đại biểu quan tâm là việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện đang có hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên cho rằng, cần thiết lập quỹ này; song bên khác cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của quỹ tương đồng với Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi, cần cân nhắc việc thành lập quỹ này. Bởi lẽ, về bản chất, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là ứng dụng công nghệ. “Cần xem xét việc lập quỹ, nếu có tính tương đồng với Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia thì không cần thành lập thêm Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Cũng theo đại biểu, trong trường hợp dự thảo Luật được thông qua, trong đó có nội dung thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần tách nội dung tại điểm a (ưu đãi về thuế), điểm c (các ưu đãi của pháp luật về đất đai) và điểm d (các ưu đãi khác) ra khỏi khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật, vì 3 nội dung này không thuộc nội dung của quỹ.

Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và đại biểu Phạm Văn Hòa.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đan Thanh

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đan Thanh

Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, cần phải tính toán, cân nhắc xem lập quỹ có thực sự cần thiết và có phát huy hiệu quả không, để tránh phân tán nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, nếu lập quỹ này thì nên xã hội hóa hoàn toàn, không dùng đến ngân sách để bảo đảm nguồn lực sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Văn Lâm, để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, biện pháp hành chính là không đủ, cần có các biện pháp về kinh tế, như dán nhãn năng lượng, thậm chí là có quy định về chính sách thuế, phí gắn với dán nhãn năng lượng.

Chẳng hạn, quy định mức thuế chỉ giảm với nhãn năng lượng từ 4 sao trở lên; hay quy định về phí, nhất là với phí về khí thải, nếu phát thải càng cao thì càng chịu mức phí cao. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, qua đó ít tiêu thụ năng lượng hơn, ít phát thải hơn.

“Những giải pháp đánh vào kinh tế sẽ rất linh hoạt, hiệu quả, tạo động lực thôi thúc tất cả các đối tượng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”, đại biểu Trần Văn Lâm tin tưởng.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-quy-thuc-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-co-lang-phi-10372011.html