Lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất, sẽ minh bạch thị trường

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất nhằm minh bạch thị trường. Thế nhưng cần có mô hình rõ ràng để hạn chế gây phiền hà cho người dân.

Sàn giao dịch quyền sử dụng đất được hy vọng sẽ làm minh bạch thị trường. Ảnh: Như Ý

Sàn giao dịch quyền sử dụng đất được hy vọng sẽ làm minh bạch thị trường. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng vừa giao Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất.

Việc thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời để thị trường đất đai hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Chúng tôi mới nhận được văn bản của Thủ tướng, Cục đang họp và nghiên cứu để báo cáo với Thủ tướng. Vấn đề này mới nên phải ngồi lại với các bộ, ngành xem làm thế nào”.

Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mới nhận được thông tin và chưa nghiên cứu gì.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ tạo lập cơ sở dữ liệu về thị trường đất đai. Theo đó, thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường đất đai, giúp dễ dàng kiểm soát giao dịch thị trường.

“Về lâu dài sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ thiết lập một mặt bằng giá đất đai sát với giá thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng trên thị trường đất đai”, ông Thanh nhấn mạnh.

Người dân giao dịch qua sàn được lợi gì?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất phải xem có hợp lý hay không? Theo đó, cơ quan nghiên cứu phải thống nhất làm rõ việc phân loại đất.

“Cần làm rõ sàn giao dịch ở đây đóng vai trò gì, dịch vụ công hay tư? Nếu là dịch vụ công được Nhà nước ủy quyền làm mới bắt buộc được người dân tham gia. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải làm rõ người dân giao dịch qua sàn được gì và mất gì?”, ông Võ nói.

Ông Võ cho rằng, hiện nay sàn giao dịch bất động sản đang thực hiện là dịch vụ tư. Người dân trả phí sau khi thực hiện mua bán nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên, sàn giao dịch không đảm bảo pháp lý. Việc đảm bảo pháp lý được thực hiện qua phòng công chứng.

“Theo tôi, phải có mối liên quan giữa Văn phòng Đăng ký đất đai, công chứng và sàn giao dịch. Nếu không có mối liên kết này thì việc lập sàn giao dịch khó khả thi”, ông Võ nói và cho biết hiện tại, việc giao dịch bất động sản trên thị trường chủ yếu thông qua các công ty môi giới (sàn giao dịch tư nhân).

Các sàn môi giới hiện nay đa số cũng chỉ tập trung giới thiệu và bán một vài dự án, song thường không công khai đầy đủ thông tin, đặc biệt là pháp lý của bất động sản đó. Vì vậy, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu.

Ông Lê Hồng Chung, Phó Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất xuất phát từ yếu tố cơ quan chức năng không quản lý và nắm được thông tin về đất đai. Theo ông Chung, ý tưởng lập sàn là tốt nhưng quan trọng nhất là cơ chế vận hành thế nào sao cho khả thi.

Ngọc Mai - Thúy Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lap-san-giao-dich-quyen-su-dung-dat-se-minh-bach-thi-truong-post1558690.tpo