Tại Nghệ An, nghề đan lát trước đây phát triển mạnh ở nhiều huyện như: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Tuy nhiên những năm gần đây, các làng nghề thủ công mỹ nghệ đều rơi vào cảnh đìu hiu do thị trường đầu ra bị thu hẹp.
Khoảng 15 năm trước nghề mây tre đan ở xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng phát triển rất mạnh mẽ. Trong đó, một số nơi trở thành làng nghề nổi tiếng, người dân mở nhiều xưởng hoạt động sôi nổi suốt ngày đêm. “Hơn chục năm trước, hầu như nhà nào cũng làm nghề. Nhiều lớp dạy đan lát được mở ra để đào tạo cho các chị em phụ nữ, các bạn thanh niên. Tuy nhiên chỉ được ít năm, thị trường hạn chế, sản phẩm khó bán dẫn đến người làm nghề không có thu nhập. Các hộ sản xuất dần dần thu hẹp và mai một”, chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1976, trú xóm 10, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) chia sẻ và cho hay, các hộ sản xuất sau đó đã chuyển nghề tìm việc mới.
Trước nguy cơ nghề truyền thống ở quê hương bị mai một, bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi, trú xóm 10, xã Phúc Thọ) đã vận động chị em trong xóm họp lại thành “Tổ mây tre đan” và cùng nhau gìn giữ, phát triển nghề.
Sau một thời gian vận động, từ một nhóm nhỏ ít người đến nay tổ mây tre đan đã có 15 thành viên hoạt động thường xuyên. Dự kiến trong thời gian tới, nhiều thành viên đang học nghề sẽ gia nhập tổ để cùng giữ nghề, cùng sản xuất và kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Lan cho hay, tổ của bà thường đan lát những đồ dùng trong gia đình hoặc đồ trang trí nhà, quán cafe như: đèn lồng, giỏ đựng, đèn trang trí các loại.
Để có nguyên liệu làm, trước đây người dân phải đi chặt tre, lùng về chẻ thành từng sợi mỏng rồi mới đan lát. Tuy nhiên ngày nay, nguyên liệu được nhập từ các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và đã có máy móc làm thay nên người thợ đỡ vất vả.
Để sản phẩm làm ra đều, đẹp, đúng kích thước, những người thợ sẽ dùng khuôn bằng gỗ và những vòng sắt để làm khung.
Những người thợ sau đó đan theo khung. Tuy công việc không nặng nhọc vất vả nhưng đòi hỏi người đan lát phải khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết để cho ra sản phẩm đẹp mắt.
Từ bàn tay khéo léo của người thợ, những chiếc đèn trang trí độc đáo ra đời.
Mỗi sản phẩm khi hoàn chỉnh được bán với giá từ 40.000 đến 80.000 đồng. Mỗi ngày, một người có thể đan được từ 8 đến 10 sản phẩm. Sau khi trừ chi phí vật liệu, tiền điện... cho thu nhập mỗi người từ 200 đến 250.000 đồng/ngày.
Bà Nguyễn Thị Oanh (61 tuổi) chia sẻ: “Từ năm lớp 6, tôi đã được mẹ truyền nghề đan lát. Nhưng có thời gian làm không bán được nên tôi bỏ nghề ra chợ buôn bán. Giờ thành lập tổ, buổi ngày tôi đi chợ, chiều tối tôi đến làm thêm nghề đan lát. Trung bình mỗi tháng cũng kiếm được thêm 5-6 triệu đồng, có thêm tiền trang trải cho gia đình".
Chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phúc Thọ cho hay, tổ đan lát mây tre đan ở xã hoạt động rất hiệu quả và tạo thêm thu nhập cho nhiều chị em ở nhà trong lúc nhàn rỗi. “Nguyên liệu đầu vào đã có máy làm sẵn nên rất tiện lợi. Chị em chỉ cần lấy về rồi tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm ngày càng được đa dạng hóa và đẹp mắt nên được khách hàng ưa chuộng”, chị Hương chia sẻ.
Ngọc Tú