Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo về việc cấp phép xuất khẩu sang Latvia tổ hợp tên lửa tấn công bờ biển NSM (Naval Strike Missile).
Cần lưu ý ngay rằng mặc dù NSM được coi là tên lửa của Na Uy do Kongsberg chế tạo, nhưng công ty này hiện đang hợp tác sản xuất loại vũ khí trên với Tập đoàn Raytheon của Mỹ, dẫn đến việc Washington phải cấp giấy phép tương ứng.
Giá trị thỏa thuận tiềm năng vào khoảng 110 triệu USD. Chi phí này bao gồm đạn tên lửa, thiết bị huấn luyện mô phỏng, cung cấp hậu cần kỹ thuật, đào tạo nhân lực vận hành và các dịch vụ liên quan.
Đồng thời giới quan sát cho rằng chi phí hợp đồng cho một hệ thống tên lửa tấn công lợi hại như vậy về mặt khách quan là khá thấp. Bởi vì so sánh hợp đồng ký năm 2021 với Romania cho hai khẩu đội, thì giá trị của chúng là 300 triệu USD.
Bên cạnh đó hợp đồng tiềm năng dành cho Ba Lan nhằm bổ sung số lượng đạn tên lửa trực chiến, trong trường hợp Warsaw vốn đã có sẵn hai khẩu đội, ước tính vẫn có trị giá lên đến 700 triệu USD.
Các chuyên gia quân sự cho rằng ngay cả một khẩu đội Tên lửa tấn công hải quân duy nhất cũng cho phép bao phủ một cách đáng tin cậy toàn bộ bờ biển và một phần lớn Biển Baltic.
Đặc biệt, tầm bắn 185 km của tên lửa NSM là khá đủ để bao phủ toàn bộ bờ biển của Latvia, cũng như một phần của Estonia và đủ sức "khóa chặt" Hạm đội Baltic của Hải quân Nga.
Tiềm năng của tên lửa NSM là rất lớn, nó đang trên con đường trở thành sản phẩm bán chạy hàng đầu trên thị trường tên lửa chống hạm. Mặc dù các nhà khai thác hiện tại chỉ bao gồm Na Uy, Ba Lan, Vương quốc Anh và Mỹ.
Trong thời gian sắp tới, loại tên lửa đặc biệt này sẽ là vũ khí trang bị cho các tàu mặt nước của Hải quân Australia, Canada, Đức, Indonesia, Hà Lan, Tây Ban Nha, cũng như tổ hợp phòng thủ bờ biển của Romania.
Lý do các quốc gia NATO hay đồng minh của Mỹ lựa chọn tên lửa hành trình chống hạm NSM - sản phẩm được coi là sự thay thế cho RGM-84 Harpoon nổi tiếng cũng khá rõ ràng.
Việc ứng dụng công nghệ tàng hình, tích hợp đầu dẫn đường bằng hình ảnh nhiệt giúp cho cuộc tấn công trở nên vô hình, trái ngược với đầu dò radar chủ động trên tên lửa chống hạm truyền thống.
Kích thước của tên lửa chống hạm NSM rất gọn nhẹ, với chiều dài chỉ 3,95 mét, ít hơn nửa mét so với Harpoon cho phép nó dễ dàng tích hợp vào các cấu trúc hiện có và lắp đặt trên những tàu mặt nước cỡ nhỏ.
Không chỉ có vậy, tên lửa NSM còn có một phiên bản phóng từ trên không với tên gọi JSM, vũ khí này được thiết kế để tấn công cả mục tiêu trên mặt đất thay vì chức năng chống hạm truyền thống.
Với việc các quốc gia NATO bao gồm Latvia, Lithuania và Estonia tăng cường sức mạnh quân sự, rõ ràng Lực lượng vũ trang Nga đóng tại vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad nói chung và Hạm đội Baltic nói riêng sẽ đối diện nguy cơ cực lớn.