Lấy đầu tư công 'dẫn dắt' đầu tư tư

Với mục tiêu lấy đầu tư công 'dẫn dắt' đầu tư tư, nhiều năm qua các công trình trọng điểm, nhất là các dự án giao thông đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung thu ngân sách, giải phóng mặt bằng các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, thi công công trình, bảo đảm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Dự án đường liên kết vùng trục Đông Tây có tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ (QL)1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Dự án chia làm 2 tuyến: tuyến 1 dài 32km, kết nối QL1A theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, QL21A, QL21B, nối lên cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà; tuyến 2 dài 14,6km kết nối hai đền Trần điểm đầu ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Tổng mức đầu tư dự án 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025. Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công ước hơn 90% khối lượng công việc, chủ đầu tư cũng đã cơ bản giải ngân vốn theo tiến độ khối lượng hoàn thành. Cụ thể, trên tuyến đoạn từ QL1A đến QL 21B đã được đưa vào khai thác. Hiện nhà thầu đang thi công cầu Châu Giang, cầu vượt nút giao Liêm Sơn và điểm cuối của đường nối 2 đền Trần ở khu vực xã Hòa Hậu, phấn đấu thông tuyến trong năm 2025.

Cùng với Dự án đường liên kết vùng trục Đông Tây, Dự án nút giao Phú Thứ, nút giao Liêm Sơn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Nút giao Phú Thứ được thiết kế, xây dựng dạng nút giao liên thông 3 tầng, trong đó: tầng 1 xây dựng hầm trên cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với 6 làn xe được thiết kế vận tốc 120 km/h; tầng 2 xây dựng đảo xuyến bán kính 40m bao gồm 4 nhánh tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; tuyến đường bên Vành đai 5, thiết kế với vận tốc 60 km/h; tầng 3 cầu vượt của đường Vành đai 5 vùng Thủ đô bên trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tổng mức đầu tư của dự án xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cùng Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính trúng thầu xây dựng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025. Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công khối lượng vượt kế hoạch đề ra.

Tuyến đường 68m đoạn qua phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) được đầu tư mở rộng góp phần tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển.

Tuyến đường 68m đoạn qua phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) được đầu tư mở rộng góp phần tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, lấy đầu tư công "dẫn dắt" đầu tư tư và thu hút các dự án quan trọng vào địa bàn, những năm qua Hà Nam đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN, Khu đô thị Đại học để thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có hơn 840 dự án trong nước và khoảng gần 500 dự án FDI với số vốn đăng ký 180.690,6 tỷ đồng và hơn 6.554,7 triệu USD. Đối với Khu Đại học Nam Cao, từ đầu năm đến nay tỉnh đã thu hút được một số dự án của các đơn vị: Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Giao thông Vận tải… về xây dựng cơ sở đào tạo. Mới đây nhất, Tổ hợp giáo dục FPT UniSchool Hà Nam với diện tích 101,5 ha, thuộc địa phận các phường Tiên Nội, Hoàng Đông và xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên), quy mô đào tạo 10.000 người cũng đã đầu tư vào tỉnh. Việc tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT đầu tư xây dựng Tổ hợp giáo dục tại Hà Nam cho thấy tầm nhìn của nhà đầu tư, khẳng định tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế của Khu Đại học Nam Cao.

Theo PGS, TS Bùi Hữu Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng, Hà Nam đang nổi lên là một cực phát triển ở khu vực đồng bằng sông Hồng với hệ thống giao thông hết sức thuận lợi. Đối với Học viện Ngân hàng, năm 2024 có 69 nghìn nguyện vọng đăng ký. Hiện tại học viện đang đào tạo 16 nghìn sinh viên, dự kiến sẽ lên đến 35 nghìn sinh viên nên rất cần mở rộng cơ sở đào tạo. Để thực hiện chiến lược phát triển, Học viện Ngân hàng quan tâm xây dựng cơ sở đào tạo ở các vùng phụ cận và quyết định chọn Hà Nam là điểm đầu tư cơ sở mở rộng. Nhà trường mong muốn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Học viện sớm xây dựng cơ sở tại Hà Nam.

Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 trong điều kiện một số dự án vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn thu ngân sách từ đất đầu năm đạt thấp so với kế hoạch. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Ban đã phối hợp với các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 – 2025; đối với các nhà thầu, đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu thu khoảng 12 nghìn tỷ đồng từ tiền đất. Để hoàn thành kế hoạch trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động giải pháp thi công phù hợp để bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất, bảo đảm nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/dau-tu/lay-dau-tu-cong-dan-dat-dau-tu-tu-163931.html