Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học: Bước tiến mới trong điều trị đột quỵ não

Hiện nay, đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Từ tháng 10/2024 đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã triển khai kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, đem lại hiệu quả khả quan giúp người bệnh đột quỵ não thoát khỏi tử vong và hồi phục tốt hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học cho bệnh nhân

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học cho bệnh nhân

Ngày 7/11/2024, ông Lương Xuân Hải, 73 tuổi, thường trú tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình được đưa vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh trong tình trạng liệt nửa người, mất tri giác. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ não nên đã tiến hành tiêm thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Trong quá trình thực hiện, với sự hỗ trợ của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA hiện đại, các bác sĩ đã tiến hành các can thiệp nội mạch lấy cục máu đông, khai thông mạch máu. Sau 2 giờ can thiệp, ông Hải đã được đưa về khoa cấp cứu để tiếp tục điều trị. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, người nhà ông Hải chia sẻ: Bố tôi cao tuổi, có bệnh nền nên khi thấy ông ú ớ, không nói được, liệt nửa người bên phải, gia đình tôi lập tức đưa ông đến BVĐK tỉnh cấp cứu. Được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình điều trị, chăm sóc, sau 3 ngày, bố tôi đã vượt qua “cửa tử”, tỉnh táo, ngồi dậy được. Đến nay, sức khỏe ông ổn định, hằng ngày ông chăm chỉ chống gậy, tập đi lại để phục hồi chức năng.

Cùng tuổi với ông Hải, bà Chung Ái Liên, thường trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhập viện cấp cứu ngày 9/1/2025 trong tình trạng yếu liệt tứ chi, mất tri giác. Bác sĩ chẩn đoán bà bị nhồi máu não cấp và đã nhanh chóng chụp chiếu, tiêm thuốc tiêu sợi huyết, tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trên nền máy DSA. Anh Nguyễn Tiến Đạt, con trai bà Liên vui mừng: Sau 4 ngày chăm sóc, chữa trị thì mẹ tôi đã phục hồi gần như hoàn toàn và được ra viện. Sau 7 ngày điều trị, bà đã đi lại và sinh hoạt bình thường. Gia đình tôi rất cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng BVĐK tỉnh.

Đây chỉ là 2 trong số 12 bệnh nhân đột quỵ não được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trên nền máy DSA tại BVĐK tỉnh từ tháng 10/2024 đến nay. Theo các bác sĩ, 100% ca bệnh được can thiệp đều phục hồi sức khỏe nhanh, ít để lại di chứng.

Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Bình quân mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận, điều trị khoảng 1.000 bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ não. Trước đây, phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết được chỉ định đối với bệnh nhân đột quỵ não nhập viện sớm trong 4,5 giờ đầu tính từ lúc khởi phát triệu chứng (còn gọi là “giờ vàng”). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp được điều trị tiêu sợi huyết do đến viện quá “giờ vàng”, hoặc do khối tắc mạch lớn, sử dụng tiêu sợi huyết không đạt hiệu quả. Do đó, lãnh đạo đơn vị đã phối hợp cử cán bộ đi đào tạo kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trên nền máy DSA là phương pháp tiến bộ hơn trong điều trị đột quỵ não. Với phương pháp này, “giờ vàng” được kéo dài đến 8 giờ, thậm chí có thể mở rộng đến 24 giờ căn cứ vào tổn thương.

Được biết, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là phương pháp sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để kéo cục máu đông ra khỏi cơ thể, từ đó lập lại dòng chảy. Để triển khai được kỹ thuật này, từ tháng 2/2024, BVĐK tỉnh đã chọn cử ê-kíp gồm 2 bác sĩ và 2 kỹ thuật viên ở 4 khoa đi đào tạo trực tiếp tại Bệnh viện Nhân dân 115 (thành phố Hồ Chí Minh) với thời gian 6 tháng. Đến tháng 10/2024, các bác sĩ, điều dưỡng đã triển khai thực hiện kỹ thuật tại đơn vị và trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng khác trong các khoa. Từ tháng 10/2024 đến nay, kỹ thuật này đã được áp dụng thường quy cho các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp đến viện sớm, có chỉ định và đem lại kết quả tốt. Từ khi triển khai đến nay, BVĐK tỉnh đã nâng tỷ lệ người bệnh đột quỵ não được thực hiện can thiệp kịp thời từ 3% lên 10%.

Thực tiễn điều trị tại bệnh viện cho thấy, phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã đem lại kết quả tốt, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong cho người bệnh đột quỵ não. Tuy nhiên, để việc điều trị đột quỵ đạt hiệu quả cao, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ (đau đầu, méo miệng, nói ngọng, khó nói, yếu tay chân) để nhận biết sớm, đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời, hạn chế nguy cơ tử vong và biến chứng nguy hiểm.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lay-huyet-khoi-bang-dung-cu-co-hoc-buoc-tien-moi-trong-dieu-tri-dot-quy-nao-5037659.html