Lấy lợi ích, sự hài lòng của người bệnh làm trung tâm

Ủng hộ sự đột phá khi quy định thông tuyến khám, chữa bệnh với quan điểm lấy lợi ích, sự hài lòng của người bệnh làm trung tâm tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu Quốc hội nêu rõ, để chính sách này khả thi đòi hỏi quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và sự thay đổi mạnh mẽ của cả hệ thống y tế để nâng cao năng lực, chất lượng, dịch vụ y tế, niềm tin, sự an tâm, hài lòng của người dân đối với cấp khám, chữa bệnh ban đầu.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), quy định này không phân biệt cơ sở tư hay công khi nộp hồ sơ chuyển viện, phù hợp với nguyện vọng của người dân, đồng thời khắc phục được những bất cập về việc chuyển viện thời gian qua.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhấn mạnh, “việc liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám, chữa bệnh chính là bảo đảm quyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, tốt nhất cho bản thân mình khi có bệnh, không phân biệt miền núi hay miền xuôi, nông thôn hay thành thị”.

 ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu

Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cần hết sức thận trọng khi quy định trong một số trường hợp người bệnh có thể đến khám, chữa bệnh ngoài nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, bao gồm cả các trường hợp chuyên sâu (trong đó có các bệnh viện trung ương) mà không cần giấy chuyển viện. Bởi lẽ, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu là điểm liên lạc đầu tiên của các hoạt động phòng, chống bệnh tật cũng như các vấn đề về sức khỏe.

“Nếu quy định như trong dự thảo Luật, thì theo xu hướng người bệnh sẽ chọn lên bệnh viện tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải bệnh viện và sẽ trầm trọng hơn. Hiện nay, người bệnh đi khám, chữa bệnh ở tuyến trên sẽ phải tăng thời gian chờ đợi, tăng tự chi trả tiền túi do phát sinh các chi phí khác ngoài chi phí khám, chữa bệnh”, đại biểu Trần Khánh Thu lo ngại.

Đại biểu cũng lưu ý, theo quy định trên, các cơ sở khám, chữa bệnh ở các tuyến đều không thể dự báo được nhu cầu khám, chữa bệnh, từ đó có nguy cơ gây nên tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và các điều kiện bảo đảm phục vụ cho người bệnh và chắc chắn sẽ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, dẫn đến vượt dự toán chi các cơ sở này, bị treo lại kinh phí đã thực hiện và lại vào vòng xoáy giải trình vượt dự toán, chờ Hội đồng quản lý xem xét, thẩm định thanh toán.

Cũng theo đại biểu Trần Khánh Thu, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám, chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến, hỗ trợ cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn, nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh, dẫn đến giảm cơ hội điều trị cho người bệnh. Cùng với đó, do người bệnh bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp cần thiết cũng sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.

 ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phân tích sâu hơn, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển viện của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên, trong khi điều trị cùng một bệnh.

"Trong khi đó, bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong xử lý khám, chữa bệnh của người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính thì còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị và giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện".

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế hiện nay, tăng mức hưởng điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu và không mở phạm vi điều trị ngoại trú. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung quy định do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm, danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần dù chọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong một năm tài chính như hiện nay. Tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở; tăng cường giải quyết triệt để các bức xúc trong cấp giấy chuyển viện của người bệnh có bảo hiểm y tế.

Thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm sự ổn định của hệ thống y tế

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, mục tiêu của chúng ta là tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhưng cũng phải bảo đảm sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Trong Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật đã đánh giá rõ lợi ích và thách thức khi triển khai thực hiện chính sách thông tuyến.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Thực tế liên quan đến các bệnh hiểm nghèo, các bệnh cần phải có chuyên môn kỹ thuật cao thì phải chuyển tuyến chuyên sâu mới đáp ứng được và người bệnh cũng rất tha thiết được chuyển tuyến. Do vậy, Chính phủ đã rất cân nhắc để bảo đảm mục tiêu phục vụ cho người bệnh", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở, thực hiện các giải pháp đồng bộ theo yêu cầu tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25.10.2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; chú trọng bổ sung các danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật…

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, các đại biểu rất ủng hộ sự đột phá trong thông tuyến khám, chữa bệnh với quan điểm lấy lợi ích sự hài lòng của người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, để chính sách đột phá này khả thi đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và sự thay đổi mạnh mẽ của cả hệ thống y tế để nâng cao năng lực, chất lượng, dịch vụ y tế, niềm tin, sự an tâm, hài lòng của người dân đối với cấp khám, chữa bệnh ban đầu.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lay-loi-ich-su-hai-long-cua-nguoi-benh-lam-trung-tam-post395027.html