Lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống buôn bán người

Những nạn nhân sau nhiều năm bị mua bán sang nước ngoài trở về địa phương gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đây là những điểm mới được nhiều đại biểu quan tâm khi góp ý cho dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi).

Sau 12 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; nhiều đường dây mua bán người đã được phát hiện, triệt phá; đã kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của luật…

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận tại tổ

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng nêu ra một thực tế là tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thủ đoạn tội phạm này ngày càng tinh vi và đối tượng nạn nhân thì cũng đã được mở rộng, không chỉ phụ nữ, trẻ em mà còn mở rộng đối với cả nam giới, trẻ sơ sinh…

Thời gian qua chúng ta đã phát hiện được 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm và 1.240 nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã khởi tố 386 vụ với 808 bị can liên quan đến mua bán người. Cơ quan có thẩm quyền cũng đã tiến hành giải cứu, phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân, tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về có 540 nạn nhân, trong đó 288 người được xác nhận là nạn nhân, 86 trường hợp được công an chuyển giao cho địa phương. Đưa ra những con số như vậy để thấy được sự cần thiết đối với việc sửa đổi Luật Phòng chống mua bán người.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang

Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo cũng phải cân nhắc bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc là tài sản để cho các cơ quan, cá nhân thi hành pháp luật có cơ sở áp dụng, bởi dự thảo luật quy định rất chung chung. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc quy định rõ thì trong quá trình thực thi dễ hơn, đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của cá nhân có liên quan.

Về trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về hình thức ký hợp đồng lao động bằng văn bản. Theo quy định tại Bộ Luật Lao động thì ngoài giao kết bằng văn bản thì hợp đồng lao động còn được giao kết thông qua phương tiện điện tử hoặc là bằng lời nói đối với những hợp đồng có thời hạn dưới một tháng.

Đối với nội dung liên quan đến việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, đại biểu đề nghị tính toán lại thời gian tiếp nhận hỗ trợ xác minh nạn nhân… Vì đối với vụ việc mua bán người ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, trong khi đó thời gian tiếp nhận hỗ trợ và xác minh thông tin ban đầu của nạn nhân mua bán người được quy định là trong 3 ngày thì quá dài và không phù hợp.

Trong luật hiện hành cũng có quy định một số quy tắc về giới và bình đẳng giới. Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng những quy định này trung tính về giới, chưa thể hiện rõ được nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong phòng, chống mua bán người.

Qua nghiên cứu và một số kết quả nghiên cứu mà tôi tiếp cận được từ nhiều nguồn thông tin cho thấy rằng việc mua bán người được xem là một dạng bạo lực trên cơ sở giới và hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em gái là hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Động cơ mua bán người mang tính giới thì cao hơn và trở nên trầm trọng hơn do các vấn đề bất bình đẳng giới tồn tại từ trước đây. Theo đó, phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn trước vấn nạn mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động hoặc là hoạt động tội phạm. Cho nên ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận là lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác phòng, chống buôn bán người.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu con số thống kê là tỷ lệ phụ nữ dùng Facebook chiếm trên 50%. Bên cạnh tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận, nâng cao kiến thức, kỹ năng nhưng cũng là nơi tiềm ẩn những nguy cơ để trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. Do vậy, nếu phụ nữ không được trang bị những kiến thức, kỹ năng về bảo mật thông tin trên cái không gian mạng một cách an toàn thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Quyền được bảo mật thông tin nên quy định rõ vào luật, đồng thời bổ sung quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về giới, về quyền và lợi ích chính đáng của những nạn nhân”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/158603/lay-nan-nhan-lam-trung-tam-trong-phong-chong-buon-ban-nguoi