Lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá đúng năng lực của cán bộ

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là một nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta và được tiến hành bài bản, hiệu quả từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay. Kết quả và chủ trương của Đảng nhận được sự đồng thuận rất cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Các quy định về lấy phiếu tín nhiệm ngày càng được hoàn thiện chặt chẽ và tiệm cận đồng bộ với các quy định khác trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là các quy định về công tác cán bộ.

Cách đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18-2-2013 về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đây là quy định đặt nền móng cho việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 (thay thế Quy định số 165-QĐ/TW) cũng về nội dung này.

Với tinh thần không ngừng đổi mới và quyết tâm chính trị rất cao, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 (thay thế Quy định số 262-QĐ/TW) về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đây là quy định có nhiều điểm mới, phát triển về cả phạm vi, nội dung, phương thức lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ và kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ. Đây là điểm mới rất đáng chú ý vì theo quy định trước đó, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí

Quy định số 96-QĐ/TW thể hiện rõ tinh thần đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật...

Cụ thể, Quy định số 96-QĐ/TW nêu rõ: “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”. Trong khi đó, theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”.

Như vậy, quy định về lấy phiếu tín nhiệm ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ và không chỉ dừng lại ở mục đích nhằm đánh giá cán bộ. Phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ...

Với quyết tâm của Đảng trong lãnh đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ trong thời gian qua, chắc chắn phần việc này sẽ đạt hiệu quả ngày càng thực chất, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng.

TRẦN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/lay-phieu-tin-nhiem-de-danh-gia-dung-nang-luc-cua-can-bo-737220