Lấy ráy tai cho trẻ đúng cách
Ráy tai là chất nhằm bảo vệ tai khỏi bụi bẩn, các dị vật, thậm chí cả sinh vật.
Tuy nhiên, có trường hợp trẻ có ráy tai nhiều bất thường và gây phát sinh vấn đề ảnh hưởng sức khỏe. Ráy tai dư thừa có thể cứng lại và nút chặn lỗ tai của trẻ. Vậy lấy ráy tai cho trẻ thế nào?
Khi nào thì đáng lo?
Bình thường, tai sẽ tiết ra một loại chất được gọi là ráy tai. Đó là chất nhằm bảo vệ tai chống lại bụi bẩn, các dị vật, thậm chí cả sinh vật. Ráy tai phủ một lớp để bảo vệ ống tai khỏi các kích thích do nước. Ráy tai có thể khô, ướt hoặc cứng. Thông thường, ráy tai được loại bỏ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, có người có thể có ráy tai nhiều bất thường, ráy tai dư thừa có thể cứng lại và nút chặn lỗ tai. Khi đó ráy tai nhiều bất thường tích tụ lại sẽ gây chứng nút ráy tai. Khi tai mất khả năng tự làm sạch, ráy tai nhiều bất thường và dính chặt lại trên da ống tai, tích tụ rất nhanh và nhiều ở trong ống tai. Ráy tai nhiều bất thường có thể khiến trẻ khó chịu, nghe kém, cảm giác ù tai khó chịu, nghe giảm hoặc nghe kém... Bên cạnh đó nút ráy tai khiến trẻ nghe có âm thanh rung chuông hoặc những tiếng ồn khác không thể giải thích được; trẻ bị ngứa, chảy dịch hoặc có những mùi không dễ chịu ở trong hoặc gần lỗ tai.
Lúc này, ngoáy tai cho bé để loại bỏ ráy tai dư thừa cần được thực hiện cẩn thận và thận trọng vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng hơn cho tai.
Lấy ráy tai cho trẻ đúng cách
Để vệ sinh tai cho trẻ hàng ngày, cha mẹ hoặc người chăm sóc chỉ nên lấy khăn mặt thấm nước ấm lau vành tai ngoài cho bé nhẹ nhàng mỗi khi rửa mặt, lấy bông tăm mềm lau phía ngoài ống tai mỗi tuần.
Cha mẹ, người thân trong gia đình tuyệt đối không được tự ý ngoáy tai cho bé bằng que nhựa có quấn bông 2 đầu, ngón tay hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ bằng kim loại khác như đinh ghim, đầu viết chì hoặc kẹp giấy... Bạn nghĩ rằng các dụng cụ này giúp làm sạch tai và lấy được ráy tai, nhưng thực ra là đang chèn ráy tai vào sâu hơn và biến nó thành cái nắp bít kín màng nhĩ, làm trầy xước gây nhiễm khuẩn gây sưng đau ống tai và có thể gây rách ống tai ngoài, hoặc thủng màng nhĩ khi trẻ giãy giụa do không được cố định đúng tư thế.
Để lấy ráy tai đúng cách cho bé không đau và an toàn mẹ chỉ nên: Dùng một chiếc khăn bông mỏng, mềm thấm nhẹ xung quanh vành tai cho con; Xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai của bé và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn bông và ra ngoài. Tính chất mềm của khăn sẽ không làm hại đến màng tai của bé mà ráy tai vẫn được làm sạch.
Khi tai bé bị trầy xước hay đặc biệt là khi đang bị viêm tai giữa, tuyệt đối không dùng bông tăm để lấy ráy tai hay dụng cụ lấy ráy tai gì khác để ngoáy tai cho bé, nó có thể gây đau đớn và ảnh hưởng xấu đến tai bé, nguy hại hơn dễ ảnh hưởng màng nhĩ và sức nghe của trẻ.
Hơn nữa, nếu ráy tai bé nhiều và khó lấy, thì ba mẹ không nên dùng mọi cách để lấy ráy tai cho bé bằng được. Việc lấy ráy tai không đúng cách dễ làm tổn thương tai của bé. Tối nhất nên lau rửa phía tai ngoài, rồi đưa bé đến chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ xử trí.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lay-ray-tai-cho-tre-dung-cach-n187123.html