Lấy ý kiến các bộ, ngành về nội dung mới của dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)
Cục Đường sắt VN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Đường sắt VN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Hội thảo có sự tham dự của nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh; quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trần Thị Minh Hiền, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Sở GTVT các tỉnh, thành có tuyến đường sắt đi qua, Tổng công ty Đường sắt VN và các doanh nghiệp đường sắt liên quan.
Cục trưởng Cục ĐSVN Trần Thiện Cảnh cho biết, Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Sau hơn 6 năm thi hành, Luật Đường sắt và một số chính sách về GTVT đường sắt chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Thực hiện chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt VN chủ trì soạn dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); tổ chức khảo sát thực tế về tình hình triển khai thi hành luật; lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định. Đến nay Bộ GTVT đã nhận được 98 ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Hội thảo tập trung 4 chuyên đề: Giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi; Chính sách mới về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt; Chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và nguồn nhân lực đường sắt; Báo cáo kết quả Dự án "Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt VN xây dựng dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi". Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý trực tiếp đối với nội dung dự thảo luật, nhất là những đề xuất chính sách mới.
Một số nội dung được đề xuất tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung đưa vào dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi như: Quy định về đầu tư xây dựng công trình đường sắt, khai thác quỹ đất dành cho đường sắt; kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác nhằm phát huy thế mạnh của vận tải đường sắt; quy định về một số loại hình giao cắt ĐS với đường bộ, xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt; phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Quy định về công nghiệp đường sắt nhằm xây dựng hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại, từng bước tự chủ trong sản xuất, bảo trì một số loại phương tiện, thiết bị đường sắt; quy định nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đường sắt phục vụ phát triển đường sắt hiện đại; quy định phân quyền cho các địa phương về quản lý phương tiện và an toàn giao thông đường sắt;. phân quyền cho địa phương thực hiện quản lý người và phương tiện hoạt động GTVT đường sắt….
Quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống cho phù hợp với từng loại hình đường sắt; các quy định nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; các quy định về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng và giá dịch vụ điều hành GTVT đường sắt cho phù hợp với các luật khác.
Có thể kể đến, trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, nhằm tạo thuận lợi trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao, dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi đề xuất quy định: Đối với các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cho phép trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở.
Về thẩm quyền địa phương, dự thảo luật bổ sung quy định mới: Các địa phương được sử dụng ngân sách của địa phương mình lập dự án đầu tư công độc lập để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực đất quanh ga đường sắt làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.