Lấy ý kiến cho Đề án Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng

Chiều ngày 21/10, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp lấy ý kiến cho Đề án Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đơn vị tham mưu xây dựng đề án) đã báo cáo tóm tắt các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án. Theo đó, mục tiêu là thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo đột phá về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh, của đất nước. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5% và phấn đấu đến năm 2030 con số này lần lượt là 70% và 35%; hằng năm tạo việc làm cho 28.000 người, trong đó có ít nhất 500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, tiếp cận trình độ của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới, của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Các đại biểu dự cuộc họp đóng góp cho Đề án Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SONG MINH

Các đại biểu dự cuộc họp đóng góp cho Đề án Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SONG MINH

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án trên 1.382 tỷ đồng; trong đó kinh phí thuộc ngân sách tỉnh trên 634 tỷ đồng và nguồn kinh phí xã hội hóa trên 748 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, đại biểu đóng góp nhiều vấn đề liên quan đến đề án, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, kinh phí… Trong đó, cần chú trọng việc đào tạo, dạy nghề gắn với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, cơ sở đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, kịp thời đáp ứng cho nhu cầu thực tế.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khởi cho biết, Đề án Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra lấy ý kiến nhiều lần nên đề án cũng đáp ứng cơ bản sát với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đề án cần làm rõ hơn một số nội dung như nguồn xã hội hóa (cần đưa ra nội dung, đối tượng đào tạo cụ thể để thu hút nguồn xã hội hóa); đồng thời cụ thể hơn một số giải pháp để các đơn vị thực hiện thuận lợi. Đồng chí Nguyễn Văn Khởi yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua.

SONG MINH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/202410/lay-y-kien-cho-e-an-oi-moi-phat-trien-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-giai-quyet-viec-lam-tinh-soc-trang-475222d/