Lấy ý kiến dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi)
Ngày 18/2, Bộ Công Thương có văn bản gửi các đơn vị để lấy ý kiến cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_56_51509450/4e6c3c371279fb27a268.jpg)
Ảnh minh họa.
Cụ thể, Văn bản số 1149/BCT-TKNL do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long ký đã được gửi đến: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tập đoàn năng lượng: Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhằm lấy ý kiến bổ sung đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nội dung văn bản nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 65/2025/UBTVQH15 ngày 15/1/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; Ngày 14/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 283/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án Luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ trình Chính phủ vào tháng 2/2025, thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
Trước đó, ngày 10/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì phiên họp lần 1 Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trước khi đưa ra lấy ý kiến công khai của các tổ chức, cá nhân từ ngày 11/2.
Theo báo cáo của Tổ biên tập, sau hơn 15 năm triển khai thi hành, đến nay Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) đã bộc lộ bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành Công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới, đặc biệt là các thách thức ở quy mô toàn cầu.
Theo Ban soạn thảo, thực hiện Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đang tập trung đánh giá, đề xuất sửa đổi 4 nhóm chính sách của Luật. Theo đó, sẽ sửa đổi về chính sách để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với nhóm đối tượng sử dụng nhiều năng lượng. Việc này nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (Trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách và quản lý hoạt động tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải. Cùng đó, bổ sung trách nhiệm quản lý hoạt động dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm vật liệu xây dựng, giao Chính phủ quy định trong tổ chức, triển khai, thực hiện, tăng cường phân cấp cho địa phương trong hoạt động kiểm tra giám sát.
Nhóm thứ hai: Chính sách về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, sẽ giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích để hình thành hệ thống các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng cũng như quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề kiểm toán năng lượng để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Nhóm thứ ba bao gồm: Các chính sách, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc này nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả công cụ Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, hình thành thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng minh bạch tại Việt Nam.
Nhóm thứ tư gồm: Chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng nhằm khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng. Các quy định này sẽ giúp giải quyết các thiếu sót, vướng mắc về chính sách về quản lý hiệu suất năng lượng cho các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng và dán nhãn năng lượng thuộc lĩnh vực xây dựng. Kèm đó là việc bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tăng cường việc kiểm tra sau dán nhãn (hậu kiểm).