Lấy ý kiến về việc nhà nước mua lại trạm thu phí BOT
Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ liên quan cho ý kiến trước đề xuất của Bộ GTVT dùng 10.342 tỉ đồng tiền ngân sách để mua và hỗ trợ 8 dự án BOT.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư đường bộ theo hình thức BOT.
Cuối tháng 5, Bộ GTVT gửi Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án BOT. Bộ này cho biết, trong số 54 dự án BOT giao thông đang thu phí do Bộ GTVT quản lý, có 7 dự án doanh thu năm 2022 đạt dưới 30% so với hợp đồng; 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án và 1 dự án không thể thu phí.
Bộ GTVT cho biết đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể: 5 dự án cần Nhà nước mua lại gồm:
Dự án BOT cầu Bình Lợi: Nhà nước chi 571 tỉ đồng thanh toán chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước hạn, do dự án không thể thu phí khi cảng đường thủy không được đầu tư theo quy hoạch.
Dự án BOT đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa thuộc dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa: Nhà nước chi 892 tỉ đồng thanh toán chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do vị trí đặt trạm thu phí không khả thi.
Dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ: dự án này không được thu phí trạm T2, Nhà nước cần chi 1.754 tỉ đồng thanh toán phần hoàn vốn còn lại để chấm dứt hợp đồng.
Dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 đoạn km75-100: hiện chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm thu phí nên phương án tài chính không khả thi. Vì vậy, Nhà nước bố trí 2.850 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng.
Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610: Nhà nước chi 745 tỉ đồng thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện phương án tài chính của dự án không khả thi do xe chuyển sang đi tuyến tránh thị xã Buôn Hồ miễn phí.
Sau khi có ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành để gửi lại Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến để giải quyết dứt điểm vướng mắc các dự án BOT.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn ngày 6-7/6 vừa qua, nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình về hướng giải quyết các BOT thua lỗ.
3 dự án cần bổ sung vốn nhà nước và kéo dài thời gian thu phí gồm:
Dự án BOT hầm Đèo Cả: bổ sung 2.280 tỉ đồng vốn nhà nước để thay thế cho việc không thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan (tuyến này sẽ thu phí nộp ngân sách nhà nước), thời gian thu phí dự án kéo dài khoảng 28 năm 4 tháng (hợp đồng gốc thu phí 27 năm 11 tháng với điều kiện thu phí tuyến La Sơn - Túy Loan).
Dự án BOT cầu Văn Lang: do doanh thu chỉ đạt 28% nên cần bổ sung 533 tỉ đồng vốn nhà nước và nhà đầu tư chia sẻ giảm 50% tỉ suất lợi nhuận (giảm 402 tỉ đồng/22 năm), kéo dài thời gian hoàn vốn từ 19 năm 10 tháng lên 22 năm).
Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng: bổ sung 717 tỉ đồng vốn nhà nước do doanh thu chỉ đạt 19% do xe chọn đi cầu Hưng Hà không thu phí, nhà đầu tư chia sẻ giảm 50% tỉ suất lợi nhuận (giảm khoảng 225 tỉ đồng/35 năm), kéo dài thời gian thu phí từ 16 năm 7 tháng lên 35 năm.