Lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi sở công thương các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc xây dựng nội dung nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo thông báo Thông báo số 172 ngày 14/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các sở công thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Từ đó, góp ý, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Trong công văn gửi lấy ý kiến từ các sở công thương, Bộ Công Thương yêu cầu các ý kiến gửi về Bộ trước ngày 12/1 để tổng hợp, triển khai xây dựng nghị định về kinh doanh xăng dầu mới, báo cáo Chính phủ.
Nghị định mới này sẽ thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được ban hành trước đây gồm, Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80 được Chính phủ ban hành ngày 17/11/2023.
Nghị định 80 có một số điểm mới so với hai nghị định cũ liên quan đến điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, thời gian điều hành giá xăng dầu.
Nghị định 80 cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu…
Liên quan đến quản lý xăng dầu, ngày 4/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Kết luận thanh tra nêu rõ: "Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, về hệ thống phân phối xăng dầu... để xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 8 và khoản 6 Điều 14 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP”.
Việc xây dựng giá cơ sở có nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu chưa theo sát thị trường, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn và phân phối xăng dầu. Đây là một trong những nguyên nhân, dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.