Lê Bá Đảng hồi hương
Chúng tôi đem tác phẩm Lê Bá Đảng về nước và soạn sách 'Lê Bá Đảng - cuộc đời và tác phẩm' với ý nguyện, không chỉ đem tác phẩm mà còn đem cả cuộc đời ông về với dân tộc.
Bây giờ là cuối tháng 12 năm 2024. Kể từ khi tôi “quen” ông, tính ra đã được 32 năm. Ông mất năm 2015. Trong 32 năm ấy, có 23 năm dương và 9 năm âm dương cách biệt. Nhìn lại, dường như trong 9 năm âm dương cách biệt, chúng tôi “nói chuyện” với nhau nhiều hơn khi ông còn tại thế.
Một ngày đầu năm 1992, ông tự nhiên đến “thăm” tôi, “rồng đến nhà tôm” bởi không ai ngờ một họa sư lừng danh như ông tự nhiên đến nhà mình. Mà chuyện này có thật. Ông đến gửi tôi một số tiền cho tập san Hợp lưu (1) mà tôi làm đại diện. Từ đó tôi “quen” ông.
Tôi vẫn nghĩ rằng những người làm nghệ thuật hay chữ nghĩa không cần “quen” nhau, đọc hay xem nhau qua tác phẩm là đủ, đôi khi quen còn thêm phức tạp vì đối tượng không đáp ứng những gì mình hằng tưởng. Lê Bá Đảng là một trường hợp lạ lùng với tôi. Đã có một lần tôi đến nghe ông nói chuyện, thấy ngang phè, nên cho rằng những thiên tài không thể gần gũi được, chỉ nên kính nhi viễn chi.
Khoảng 1985, chúng tôi sang New York, đến xem tòa nhà chọc trời Trump Tower, lúc đó là một “kỳ quan” của kiến trúc hiện đại. Bước vào đại sảnh, trang hoàng rất tân kỳ, tôi ngước nhìn lên tường, thấy một bức tranh tuyệt đẹp ký tên Lebadang. Ấn tượng vô cùng mạnh mẽ ấy đã hằn trong tim tôi đến tận bây giờ; bởi tất cả những gì kỳ lạ đều quy tụ ở đây: nước Mỹ, New York, nhà chọc trời Trump Tower và... Lebadang.

Lê Bá Đảng (1921-2015) từng nhận biệt hiệu tôn vinh “Picasso Việt Nam” của giới làm nghệ thuật ngoại quốc. Ảnh: TLTG
Lần đầu tiên tôi thấy một bức tranh được treo đúng chỗ của nó: đi đôi với sự sáng tạo tân kỳ trong nghệ thuật tạo hình Lê Bá Đảng, là nghệ thuật kiến trúc và trang trí tuyệt kỹ của ngôi tháp cao tầng ngoại khổ, vươn lên ở một nơi có tên tiền định là thành phố York Mới. Tất cả tạo nên một không gian hư ảo chưa từng thấy.
Một niềm hãnh diện gần như vô lý, nẩy nở trong tâm trạng kẻ đồng hương với Lê Bá Đảng, dù kẻ ấy nhỏ nhoi, không có công trạng gì, chỉ “ăn theo”, khiến tôi khám phá ra điều này: sự cùng chung xứ sở với một kiệt tác, cho ta cái quyền được hưởng chung vinh dự với tác giả, đó là cái quyền lạ kỳ, duy nhất, không thể có với bất cứ một thứ đặc quyền nào khác: ví dụ, ta không thể lây vinh dự với một tỷ phú hay một lãnh tụ, nhưng ta có thể hưởng cái đẹp của một tác phẩm và hương vị toát ra từ tác phẩm đó, đến độ, ta “dám” coi nó như “của mình”, chỉ vì nó do “người mình” làm ra, hệt như ta yêu sông núi “nước mình” hơn sông núi “nước khác”, và tự hào vì cảnh đẹp nước mình, trong khi cảnh đẹp nước khác ta chỉ ngưỡng mộ mà không thể tự hào, bởi nó không phải “của ta”.
Chính cái quyền “sở hữu” vô hình một tác phẩm nghệ thuật làm ta xao động, khiến ta muốn “bảo tồn” khi nó bị “thất thoát” ra ngoài, khi nó không được “người mình” chiêm ngưỡng, ta muốn “giành lại” để “dân ta” có thể thưởng thức cái đẹp do người mình tạo ra và tự hào vì nó.

Tác phẩm Không gian Âu Lạc, 180x400cm, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Cảm tưởng “thất thoát” này, có trong tôi, liên tục, từ thời ấy đến bây giờ: tức là mới đây, được xem cuộc triển lãm quy mô của ba họa sĩ nổi danh đầu tiên của Việt Nam: Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm do Bảo tàng Cernuschi tổ chức ở Paris, với số lượng tranh tượng lớn lao, tôi cảm thấy một niềm tự hào buồn bã, vì những sản phẩm vô giá này không bao giờ người Việt trong nước được xem, và ở tôi, khát vọng “sở hữu” cho dân tộc lại trỗi lên, một tham vọng vô lý hơn bao giờ hết.
Picasso dựng nghiệp trên đất Pháp, được coi là họa sĩ Pháp, nhưng kiệt tác Guernica của ông ngự trị ở Trung tâm Nghệ thuật Reina Sofia, Madrid, Tây Ban Nha, quê hương ông. Tại sao họa sĩ nước ta không làm được chuyện đó?
Tham vọng “sở hữu” ấy, đã âm thầm sống trong tôi, từ khi nhìn bức tranh Lebadang treo trên tường đại sảnh Trump Tower, thập niên 80 của thế kỷ trước, ở New York, và từ đó, dần dần phát triển trong tôi một toan tính làm thế nào, đem cho bằng được những tuyệt phẩm của “người mình” về nước cho “dân mình” thụ hưởng.
Ba năm sau, 1988, họa sĩ Lê Thị Lựu qua đời, trước thi hài bà, tôi đã lâm râm khấn: Cháu sẽ đưa tác phẩm của bà về nước, mặc dù lúc đó tôi chưa có bất cứ một phương tiện nào cả.
Nhưng kể từ năm 1990, khi phụ trách chương trình Văn học nghệ thuật đài RFI, tôi bắt đầu có phương tiện đưa những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm về nước qua những cuộc phỏng vấn trên làn sóng của đài (Mai Thứ và Lê Thị Lựu đã qua đời).

Tác phẩm Khỏa thân sắc không, tượng sắt rỗng, 80x85x160cm, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Ngày 7.3.1993, trả lời câu hỏi: “Bác có dự định cho bảo tàng Việt Nam tranh của bác không?”, họa sĩ Lê Phổ xác định: “Có. Tôi đã dặn kỹ nhà tôi: nếu tôi mất đi, nhà tôi sẽ gửi cho bảo tàng ở Hà Nội, khoảng 20 - 30 bức”.
Ngày 12.6.1994, trong chương trình Văn học nghệ thuật, tôi nhắc lại câu hỏi trên đây một lần nữa, ông bà Lê Phổ, cùng xác nhận lại ý định tặng bảo tàng Việt Nam 20 tác phẩm. Nhưng không hề có tiếng vọng từ Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam, nên việc tặng tranh của Lê Phổ không thành.
Ngày 8.5.1994, ông Ngô Thế Tân, chồng họa sĩ Lê Thị Lựu trao cho tôi bộ sưu tập 18 bức tranh và 2 phiên bản, với lời dặn: “Cháu chỉ đưa về, khi nào thuận tiện, nghĩa là có sự bảo đảm chắc chắn tranh không biến mất, hoặc bị sao chép, hoặc bán ra nước ngoài”. Ba năm sau, 1997, ông qua đời. Tôi kiên trì chờ đợi.
Hai mươi bốn năm sau, 2018, chúng tôi không những thực hiện được ý nguyện của ông Ngô Thế Tân, mà còn đem toàn bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu của Ngô Thế Tân và của Lê Tất Luyện - Thụy Khuê về nước.
Năm 2020, chúng tôi lập lại hành trình này với tác phẩm của họa sư Lê Bá Đảng. Nhưng đại dịch Covid-19 kéo dài, khiến chương trình phải dời lại đến năm 2023 mới thực hiện được.

Họa sư Lê Bá Đảng và tác giả Thụy Khuê (ảnh chụp khoảng 1996, 1997). Ảnh: TLTG
Trong Thay lời tựa cuốn Lê Bá Đảng - cuộc đời và tác phẩm in kèm sưu tập do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và NXB Tổng Hợp TP.HCM liên kết thực hiện 2024, tôi đã viết:
Sở dĩ chúng tôi có bộ sưu tập tranh, tượng quý giá với số lượng hiện vật lớn lao của Lê Bá Đảng, để gửi về quê hương, qua hai bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Mỹ thuật Đà Nẵng, là do tình bạn trong hơn hai mươi năm với họa sư.
Những tác phẩm này phần lớn là quà ông tặng chúng tôi trong những dịp khác nhau, không thể nhớ hết.
Chúng tôi quen ông đầu năm 1992, và từ đó nẩy sinh một tình bạn vong niên không bao giờ phai lạt. Với ông, Lê Tất Luyện là người em trai tinh thần, giúp ông làm những việc ông không làm được, lập website Lê Bá Đảng đầu tiên: lebadang.free.fr, và ở tôi, là sự giao thoa cảm xúc nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và người phê bình.
Sau năm 2000, ông bắt đầu đưa cho tôi giữ những thư từ hành chính và bản thảo viết tay.
Năm 2002, từ khi quyết định không xuống Cannes nữa, vì tuổi cao, ông đã trao cho chúng tôi giữ những tác phẩm lớn, nhỏ, được lưu trữ ở Cannes và Mougins, trong số đó có bức tượng sắt Khỏa thân sắc không, kiệt tác Không gian Âu Lạc, và ba tác phẩm vi họa rất nhỏ nhưng quý giá, biểu dương những nét vẽ đầu tiên của Lê Bá Đảng.
Chúng tôi xin trao lại dân tộc Việt Nam, toàn bộ sưu tập này.
Cuốn Lê Bá Đảng - cuộc đời và tác phẩm gồm 543 trang, khổ 22x31cm, là câu chuyện kể lại hành trình của Lê Bá Đảng, một người sinh ra trong đất nước nhược tiểu, bị đô hộ, mơ tưởng đến vùng đất hứa là “nước mẹ” Phú Lang Sa, và đã tìm mọi cách thoát ly gia đình, để đi đến đích, cuối cùng trở thành danh họa thế giới.

Chàng thanh niên 17 tuổi ấy thành công trong việc trốn cha đăng lính thợ, xuống tàu sang Pháp, nhưng trong cuộc vượt biển này, người thanh niên ấy đã thấy rõ hơn ai hết số phận bị trị của mình từ “mồ chôn tập thể” là cái hầm tàu định mệnh đưa ông sang Pháp: Trên tầu thực kinh khủng. Chúng tôi ngủ dưới hầm, giường chồng ba tầng, giường trên cách giường dưới không đầy một thước, không thể ngồi được, giống như súc vật. Chuyến đi kéo dài hơn một tháng. Mỗi khi tầu cập bến nào là tôi muốn nhẩy ra khỏi tầu, vì kinh khiếp quá mà không làm được. Thức ăn đổ trong chậu chung cho 10 người, luôn luôn một món không nhá nổi. Trước khi đi, những người mộ lính khoe khoang nào là nước Pháp, Mẫu Quốc, thế này thế nọ, nay tôi thấy tất cả ngược lại. Hoàn toàn bị suy sụp, tôi suy sụp nhất trong bọn, tôi đã định tự tử (2). Lê Bá Đảng vùng lên từ “trại súc vật” này, để trở thành họa sư của hai thế giới, như lời tôn vinh của một số nhà phê bình nghệ thuật.
Chúng tôi đem tác phẩm Lê Bá Đảng về nước và soạn sách Lê Bá Đảng - cuộc đời và tác phẩm với ý nguyện, không chỉ đem tác phẩm mà còn đem cả cuộc đời ông về với dân tộc, cùng với hình ảnh những tác phẩm không có trong sưu tập, đang còn ở rải rác khắp nơi trên thế giới “về nước” trong khuôn khổ một quyển sách, để trình bày con đường tìm kiếm nghệ thuật của ông và viết lại câu chuyện Lê Bá Đảng từ đầu.
Từ một thanh niên 17 tuổi, trốn cha mẹ đi Pháp, trải những khó khăn tưởng như không thể vượt được: làm lính thợ, bị Đức bắt tù, vượt ngục, chạy xuống miền Nam nước Pháp, bị bắt đưa vào trại trừng giới, thoát ly, tìm đến xin vào học trường Mỹ thuật Toulouse, vừa đi làm, vừa đi học.
Năm 1948 ra trường, lên Paris lập nghiệp, và dần dần trở thành họa sĩ kiêm điêu khắc gia nổi danh thế giới, có khả năng biến hóa bất cứ chất liệu nào trong tay thành tác phẩm nghệ thuật. Lê Bá Đảng đã từng nhận những biệt hiệu tôn vinh của giới làm nghệ thuật ngoại quốc: “Thầy của sáng tạo”, “Thầy bắc cầu hai thế giới”, “Thầy của vũ trụ”, “Picasso Việt Nam”...
Ngoài kỳ công ngoại khổ: sáng tạo nghệ thuật Thủ ấn họa hiện đại (tranh in tay), với 6 phương pháp tân kỳ (1950 - 1970): Thủ ấn họa Thạch bản, Thủ ấn họa Khắc nổi, Thủ ấn họa trên giấy kép Nhật Bản, Thủ ấn họa Vàng tức Lebadangraphy, Thủ ấn họa Không gian, Thủ ấn họa Ngoài nét vẽ. Trong hàng ngàn tác phẩm, chúng tôi còn xếp được 21 thời kỳ hội họa khác nhau, qua hơn nửa thế kỷ sáng tạo:
Chiến tranh và lịch sử, Phong cảnh bất khuất và bất kham, Thời kỳ hoa, Mỵ Châu Trọng Thủy, Mộ Tâm, Tấn tuồng nhân loại, Tấn tuồng nhân loại kịch bóng, Tấn tuồng nhân loại cõi âm, Dâm họa, Nữ trang nghệ thuật, Không gian Lê Bá Đảng, Không gian Âu Lạc, Không gian lập quốc, Phong cảnh lõa thể, Tranh k hắc hai mặt, Khái niệm sắc không, Mặc áo cho cây, Mắt 1996, Mắt xanh 1999, Mắt loạn 2001, Thiền xanh, Tượng, và Cõi người ta.
Có hai thời kỳ nổi trội nhất: Tấn tuồng nhân loại (1981), tái tạo sự băng hoại của con người trong bi kịch bản thân, gia đình và đất nước và Không gian Lê Bá Đảng (1985), một sáng tạo độc đáo, không tượng, không tranh, thay đổi hẳn cái nhìn trong nghệ thuật tạo hình: từ nhìn ngang trước mặt sang nhìn dọc từ trên xuống, hoàn toàn độc đáo trong nghệ thuật tạo hình thế giới, được Lê Bá Đảng đưa ra những năm 1980, và cũng chính trong thời gian ấy, tôi được nhìn thấy tác phẩm Lebadang treo trong đại sảnh nhà chọc trời ở New York.
Con đường sự nghiệp đầy chông gai, gieo rắc những hiện tượng kỳ vĩ này, chúng tôi ghi lại trong sách Lê Bá Đảng - cuộc đời và tác phẩm, kèm với hình ảnh các tác phẩm chính của mỗi chủ đề, với sự dẫn giải cần thiết đối với độc giả không chuyên.
Và như thế chúng tôi tin rằng đã làm tròn bổn phận chuyển tải một thiên tài về với đất nước: Lê Bá Đảng đã hồi hương.
Paris, 31.12.2024
Thụy Khuê
___________
(1) Hợp lưu là tờ báo văn nghệ xuất bản bên Mỹ, chủ trương hòa hợp dân tộc, do họa sĩ nhà văn Khánh Trường (vừa qua đời ngày 27.12.2024) sáng lập
(2) Lê Bá Đảng trả lời Pierre Daum, Immigrés de Force, Les Travailleurs Indochinois en France (1939 - 1952) của Pierre Daum, t. 49-50
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/le-ba-dang-hoi-huong-46840.html