Le Creuset vượt qua thăng trầm để trở thành biểu tượng bếp cao cấp

Đối với một thương hiệu chuyên sản xuất đồ bếp như nồi, niêu, xoong, chảo như Le Creuset, hành trình vươn ra toàn cầu và sự yêu mến quả thực đáng kinh ngạc.

Ít ai có thể đoán trước được điều này khi công ty lần đầu tiên bắt đầu sản xuất những đồ bếp cơ bản tại Fresnoy-le-Grand, một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc nước Pháp, vào năm 1925.

Với mức giá khoảng 250 euro (280 USD) cho một chiếc nồi gang cơ bản, Le Creuset là một thương hiệu sản phẩm thiết kế cao cấp, nổi tiếng với độ bền vượt trội.

Toàn bộ sản phẩm nồi gang của công ty vẫn được sản xuất duy nhất tại nhà máy ở Fresnoy-le-Grand. Nơi đây có hai lò điện khổng lồ được gọi là "creuset" trong tiếng Pháp, có nghĩa là lò luyện kim. Các lò này nung chảy gang lỏng lên tới 1.550 độ C (2.822 độ F) - nhiệt độ nóng hơn cả dung nham - trước khi được rót vào một vật chứa trung gian và vận chuyển tự động trên đường ray. Sự đa dạng về kiểu dáng và màu sắc vừa khó khăn trong quá trình sản xuất, vừa là sức mạnh cốt lõi của thương hiệu, theo chia sẻ của ông Frédéric Salle, quản lý nhà máy.

Hiện tại, 95% sản phẩm của Le Creuset được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia. Tuy nhiên, công ty tư nhân này không công bố các dữ liệu tài chính. Thương hiệu này cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn. Khi doanh nhân Paul van Zuydam, một người Anh gốc Nam Phi, mua lại Le Creuset vào năm 1988, thương hiệu đang dần đánh mất sức hút.

Tuy nhiên, doanh nhân Van Zuydam - người hiện vẫn là Chủ tịch công ty - đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm, mở rộng ra toàn cầu, củng cố vị thế của Le Creuset ở phân khúc cao cấp, đồng thời đa dạng hóa địa điểm sản xuất các sản phẩm không phải nồi gang sang Trung Quốc và Thái Lan.

Le Creuset hiện có 575 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới, trong đó doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ xu hướng nấu ăn tại nhà trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Bà Marie Gigot, Giám đốc điều hành phụ trách thị trường Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg (Lúc-xăm-bua), cho biết: "Thương hiệu đang hoạt động rất tốt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới." Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng những kế hoạch tăng thuế của Mỹ vẫn là một mối quan ngại. "Tình hình thay đổi hàng ngày, vì vậy chúng tôi đang theo dõi rất sát sao.", bà lưu ý.

Nhưng theo ông Nick Stene, trưởng bộ phận nghiên cứu sản phẩm gia dụng tại công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, những khách hàng có khả năng mua các sản phẩm Le Creuset trước đây sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế nhập khẩu. Ông giải thích rằng: "Những gia đình có đủ khả năng chi hơn 300 USD cho các sản phẩm nấu nướng cao cấp thường là những người cuối cùng cảm nhận được áp lực khi sức mua giảm".

Le Creuset là một trong những thương hiệu hoạt động tốt nhất trong phân khúc đồ gia dụng, với mức tăng trưởng trung bình 4,5% mỗi năm kể từ năm 2019.

Một yếu tố thành công lớn của công ty là mạng xã hội, nơi những người sở hữu tự hào khoe những chiếc nồi Le Creuset như một cách thể hiện không chỉ khả năng tài chính mà còn cả trình độ nấu ăn của mình. Ông Stene kết luận: "Không gì hiệu quả hơn việc chính khách hàng của bạn trở thành đại sứ và đội ngũ tiếp thị cho bạn".

Vân Anh (Theo Japan Today)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/le-creuset-vuot-qua-thang-tram-de-tro-thanh-bieu-tuong-bep-cao-cap/373322.html