Đến năm 2045, đường sắt cần thay thế hàng nghìn đầu máy, toa xe
Cục Đường sắt VN vừa tính toán cần đầu tư thay thế hàng trăm đầu máy, hàng nghìn toa xe phục vụ vận tải đường sắt giai đoạn sau 2030, đến 2045 để đầu tư công nghệ đóng mới.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, thực hiện quy định gia hạn thời hạn lưu hành của đầu máy, toa xe đến hết ngày 31/12/2030 và lộ trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, sau năm 2030 phải thay thế tối thiểu 140 đầu máy diesel; 2.228 toa xe, gồm 259 toa xe khách và 1.969 toa xe hàng.

Đến 2045, cần đầu tư mới hơn 300 đầu máy, 10.000 toa xe phục vụ vận tải trên các loại hình đường sắt (Ảnh: minh họa).
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vận hành hệ thống đường sắt hiện có và các tuyến xây mới theo quy hoạch, ngành đường sắt dự kiến cần đầu tư đóng mới hàng chục đầu máy, toa xe trong cả giai đoạn trước và sau năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, phục vụ đường sắt khổ 1.000mm, ngoài 248 đầu máy còn niên hạn, cần đóng mới 15 đầu máy, 250 toa xe, gồm 50 toa khách và 200 toa hàng.
Với đường sắt khổ 1.435mm (tuyến mới), cần đóng mới 26 đầu máy diesel hoặc lai diesel - điện, 1.760 toa xe, trong đó có 195 toa cho đường sắt quốc gia, 280 toa cho đường sắt đô thị và 1.285 toa hàng.
Giai đoạn đến năm 2045, với đường sắt khổ 1.000mm, ngoài 108 đầu máy còn niên hạn, cần đóng mới 150 đầu máy để thay thế các loại cũ, lạc hậu; Đóng mới 2.000 toa xe (200 toa khách, 1.800 toa hàng).
Phục vụ tuyến đường sắt khổ 1.435mm (tuyến mới), đầu tư 160 đầu máy, gồm 150 đầu máy điện (trong đó có 74 đầu máy cho đường sắt tốc độ cao); 10 đầu máy răng cưa cho tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt (khổ 1.000mm). Đáng chú ý, cần đóng mới 10.144 toa xe, gồm 1.184 toa cho đường sắt tốc độ cao, 960 toa cho đường sắt đô thị và 8.000 toa hàng cho đường sắt quốc gia.
Cục Đường sắt Việt Nam nhận định, nhu cầu thay thế và đầu tư mới đầu máy, toa xe tạo ra thị trường đủ lớn để các doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện.
Cơ quan này cũng kiến nghị tăng cường năng lực sản xuất thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp liên danh, liên kết với tổ chức trong và ngoài nước để huy động vốn, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến; Phát triển công nghiệp lắp ráp đầu máy điện, đóng mới toa xe phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu
Đặc biệt, cần xây dựng ít nhất hai doanh nghiệp tổng thành (doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò sản xuất, lắp ráp và tích hợp toàn bộ sản phẩm hoàn chỉnh) chuyên sản xuất, lắp ráp đầu máy, toa xe và thiết bị đường sắt.
Cùng đó, cần xây dựng và phê duyệt danh sách các công ty cung cấp linh kiện, sản phẩm bán thành phẩm phục vụ công nghiệp đường sắt.