Lễ cúng âm hồn của người dân làng biển bãi ngang
Đúng vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm, người dân làng biển bãi ngang xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tổ chức lễ cúng âm hồn với ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, bình yên, hạnh phúc, con cháu làm ăn phát đạt. Vào ngày này, tất cả các gia đình trong làng đều làm mâm cỗ tươm tất để mang đến cúng tại sân âm hồn.
Theo các bậc cao niên làng Hà Lợi Trung, lễ cúng âm hồn có từ xa xưa, thuở khai khẩn lập làng. Dân gian kể rằng, cứ đến tháng Bảy âm lịch hằng năm, Diêm Vương sẽ cho phép mở Quỷ Môn Quan để các cô hồn được xá tội, quay trở lại trần gian. Chính vì thế, dân gian có tục lệ sắm cổ cúng các cô hồn đói khát, không nhà cửa để tránh bị quấy phá.
Ngoài ra, việc cúng cô hồn cũng nhằm mục đích giúp những linh hồn lang thang được một ngày no nê và bớt tủi thân khi quay trở lại địa ngục. Cúng cô hồn không hẳn là mê tín dị đoan mà mang tính nhân văn, giống như tư tưởng chung của ngày xá tội vong nhân đó là dù ai có tội ác gì, phải chịu trừng phạt ra sao thì cũng nên có 1 ngày xá tội để họ vơi bớt phần nào đau đớn, tủi cực.
“Thông thường, lễ cúng âm hồn được tổ chức vào buổi chiều ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Bởi vì buổi chiều thiên về phần âm khí nhiều hơn, lúc này các cô hồn, vong linh không nhà cửa mới được đi lại tự do. Lễ cúng thường diễn ra vào khoảng 15 giờ trở đi”, ông Bùi Văn Lũy, Hội chủ làng (trưởng làng) Hà Lợi Trung nói.
Mặc dù lễ cúng được thông báo tổ chức vào 15 giờ nhưng từ sớm, nhiều gia đình đã bưng mâm cỗ đến sân âm hồn để đặt lễ. Sân âm hồn của làng là một khoảng đất rộng rãi, bằng phẳng. Ở giữa khoảng đất ấy có một sân bê tông rộng để cúng cô hồn. Chính diện sân là 3 bàn thờ. Cạnh sân âm hồn là 3 miệu của các họ phái thờ những người trong họ phái có công lao với làng.
Theo tục lệ từ xưa đến nay, mỗi hộ gia đình sẽ làm một mâm cỗ để cúng âm hồn. Mâm cỗ này gồm có các lễ vật như: một cái đầu lợn hoặc một con gà; bánh chưng, bánh tét hoặc bánh tày; trái cây; cau trầu; hương hoa; rượu trắng...
Những mâm cỗ do người dân mang đến sẽ được đặt ngay ngắn giữa sân và trên các miệu, bàn thờ. Không chỉ có các hộ gia đình đang sinh sống tại làng, con em trong làng đi làm ăn xa quê về nếu có nguyện vọng cũng có thể làm mâm cỗ để cúng âm hồn.
Vừa bưng mâm cỗ đến âm hồn, ông Trần Văn Tập, người dân làng Hà Lợi Trung cho hay: “Cứ đến rằm tháng Bảy là con em đang làm ăn xa quê đều cố gắng trở về để cùng gia đình làm mâm cỗ cúng âm hồn. Đến ngày này, không khí trong làng rất rộn rã đông vui, như là ngày Tết vậy. Để cúng âm hồn, năm nào nhà tôi cũng chuẩn bị một con gà trống to nhất trong đàn. Trước ngày lễ cúng diễn ra, cả nhà tôi cùng nhau gói bánh tày hoặc bánh tét”.
Trước khi bắt đầu lễ cúng âm hồn, ban cán sự thôn sẽ phụ trách cúng các anh hùng, liệt sĩ, người có công với dân làng tại đài tưởng niệm đặt ở trung tâm thôn. Trong khi đó, ông hội chủ sẽ vào cúng các vị thần linh tại nhà thờ làng, gần sân âm hồn.
Xong đâu đấy, hội chủ sẽ chủ trì lễ cúng âm hồn. Sau khi 2 người trưởng họ đánh 3 hồi chiêng, 3 hồi trống chấp lệnh, ông hội chủ sẽ đứng ở giữa, 2 người trưởng họ nhất (họ Trần) và họ nhì (họ Phan) đứng 2 bên bắt đầu lễ cúng.
Trong phần lễ này, hội chủ sẽ niệm hương, khấn vái các cô hồn, vong linh không quậy phá, phù hộ độ trì cho dân làng; cầu cho trời yên biển lặng, con em trong làng có sức khỏe, học hành đỗ đạt, làm ăn tấn tới. Hội chủ cúng xong, các trưởng họ, trưởng phái, cao niên sẽ lần lượt khấn vái với ước nguyện cầu yên cho dân làng.
Kết thúc lễ cúng tại sân âm hồn, các hộ gia đình mang mâm cỗ của mình về nhà rồi cùng con cháu quây quần bên mâm rượu đầm ấm. Không khí nhộn nhịp lan tỏa khắp đường làng, ngõ xóm. Làng Hà Lợi Trung có 3 lễ cúng cầu yên trong năm.
Lễ đầu tiên là cúng cầu ngư vào ngày 24/2 âm lịch, được tổ chức bởi sự đóng góp của những gia đình có thuyền đánh bắt thủy sản. Lễ thứ 2 là cúng cầu yên tại đình làng vào ngày rằm tháng Sáu.
Tất cả các gia đình trong thôn đóng góp tiền (trung bình mỗi hộ 50 - 100 ngàn) để hội chủ và các trưởng họ, phái cúng. Lễ thứ 3 là cúng âm hồn vào ngày rằm tháng Bảy. Riêng lễ này, mỗi hộ gia đình tự làm mâm cỗ để mang đến sân âm hồn cúng.
Đây cũng là ngày tập trung đông đủ con em trong làng, chỉ sau tết Nguyên đán. “Ở những làng biển bãi ngang khác cũng có tổ chức lễ cúng âm hồn nhưng xét về mặt lễ nghi và quy mô thì không lớn bằng làng Hà Lợi Trung chúng tôi. Đây là một phong tục được truyền lại từ đời này sang đời khác”, ông Lũy cho biết thêm.