Lễ cúng cầu bông trong đình làng Tây Ninh

Lễ cúng Cầu bông được tiến hành khi lúa bắt đầu ngậm sữa (lúa mùa), cầu cho lúa ngậm sữa, đơm bông, mùa vụ tốt tươi. Nên lễ Cầu bông gắn liền với nông nghiệp và việc thờ cúng Thần Nông.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 ngôi đình, phân bố ở các huyện, thị, thành phố như thị xã Trảng Bàng (10 đình), thị xã Hòa Thành (4 đình), huyện Gò Dầu (8 đình), huyện Bến Cầu (7 đình), huyện Dương Minh Châu (4 đình), huyện Châu Thành (3 đình), thành phố Tây Ninh (4 đình)…

Trong đó, Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu là những vùng đất ở phía Nam tỉnh, nằm ven theo hai con sông Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn, được khai phá sớm, tập trung nhiều đình. Những vùng đất khai phá muộn hơn ở phía Bắc Tây Ninh, gần biên giới, địa bàn cư trú của cộng đồng dân tộc thiểu số và người Việt như hai huyện Tân Biên, Tân Châu không có đình.

Đình là nơi phụng thờ thành hoàng bổn cảnh- vị thần bảo hộ cho cư dân trong làng, ngoài ra còn có thờ các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, tiên sư, chiến sĩ cùng các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như Thần Nông, Bạch Mã Thái Giám, Sơn Quân, các vị nữ thần…

Hằng năm, các đình ở Tây Ninh thường có hai kỳ cúng chính là Kỳ yên và Cầu bông vào mùa xuân và mùa thu nên thường gọi là xuân thu nhị kỳ theo lịch trình “xuân cầu thu báo”. Tức mùa xuân tổ chức cúng Kỳ yên bái tế thần thành hoàng cầu an cho cư dân, mùa thu sau kỳ thu hoạch cư dân tổ chức cúng đình để tạ ơn thần thành hoàng, Thần Nông đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, thôn xóm bình yên và cầu nguyện cho mùa vụ tới được thuận lợi.

Lễ cúng Cầu bông được tiến hành khi lúa bắt đầu ngậm sữa (lúa mùa), cầu cho lúa ngậm sữa, đơm bông, mùa vụ tốt tươi. Nên lễ Cầu bông gắn liền với nông nghiệp và việc thờ cúng Thần Nông.

Thần Nông là vị vua trong huyền thoại, có công dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vị thần này được thờ cúng ở đình làng và gắn với các lễ hội cúng đình. Ngày xưa gọi là Tiên Nông, hiểu theo nghĩa là thần nông nghiệp. Bàn thờ Thần Nông thường đặt ở trước sân đình, không có mái che.

Người dân Nam Bộ giải thích việc thờ Thần Nông ngoài trời, rằng Thần Nông ngoài việc dạy dân cày cấy, cũng muốn dạy dân làm nhà ở, mà ông ta chỉ biết lấy lá cây làm nhà nóc bằng không đạt yêu cầu, nên phải làm nhà hai mái theo sự chỉ bảo của bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Do vậy, bà Cửu Thiên được tôn làm tổ thợ mộc. Từ đó Thần Nông mắc cỡ, thà ở ngoài trời, chứ nhất định không chịu chui vào nhà theo kiểu “thước nách” của đàn bà (Đình Nam Bộ xưa và nay, tr.124).

Nghi thức thỉnh sắc phong ở đình Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh).

Nghi thức thỉnh sắc phong ở đình Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh).

Lễ cúng cầu bông trong một số đình làng ở Tây Ninh thường diễn ra vào trung tuần tháng 8 (nông lịch) như ngày 11,12.8 đình Trung Cẩm Bình (Gò Dầu); 15,16.8 đình Hưng Mỹ (Gò Dầu); 16.8 đình Thạnh Đức (Gò Dầu); 16.8 đình Gia Bình (Trảng Bàng); 17.8 đình Phước Hiệp (Trảng Bàng); 15,16.8 đình Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh); 15,16.8 đình Phước Hội (Dương Minh Châu); 15, 16.8 đình Thanh Đông (Châu Thành);…

Vào ngày này, Ban Khánh tiết đình, cư dân địa phương bày mâm cỗ, nấu xôi và hoa quả dâng cúng thần thành hoàng bên trong đình và bàn thờ Thần Nông ở sân đình. Hiện nay, phần nhiều các đình ở Tây Ninh tổ chức cúng Cầu bông với các lễ thức như cúng Kỳ yên.

Ở đình Hiệp Ninh (thành phố Tây Ninh) vào ngày 15.8 có nghi thức thỉnh sắc phong từ UBND phường 2, thành phố Tây Ninh về đình, đoàn rước dài có lân, rồng đi trước, nối theo có nhạc lễ, học trò lễ, quân hầu cầm lỗ bộ, cờ lộng, kiệu thỉnh sắc phong, theo sau là Ban Khánh tiết đình, nhân dân và có sự tham gia của học sinh các trường tại địa phương thành đoàn rước dài, tạo không khí trang nghiêm, vui tươi cho lễ hội. Ở đình Phước Hội (huyện Dương Minh Châu) cũng có nghi thức thỉnh tro, tức thỉnh lư hương từ dinh thờ về đình.

Trong ngày cúng chính, nghi thức tế lễ cũng tương tự như nghi thức túc yết trong lễ Kỳ yên. Ban Khánh tiết thực hiện tuần tự các nghi thức: tràn áp hầu bài ban (dàn quân hầu trở về vị trí đứng hầu hai bên bàn thần); bô lão tựu vị; cù soát lễ vật; quán tẩy; niệm hương; khởi cổ lệnh (nếu có); khởi thái bình thanh (đánh mõ), khởi minh chinh (đánh chiêng), khởi đại cổ (đánh trống), khởi nhạc (ban nhạc lễ đánh bản Nghinh thiên tiếp giá); chánh tế, bồi tế, đông hiến, tây hiến tựu vị; hiến tuần hương, tuần rượu thứ nhất (sơ hiến lễ), đọc chúc văn, tuần rượu thứ hai (á hiến lễ), tuần rượu thứ ba (chung hiến lễ), hiến quả phẩm, hiến bỉnh, tuần trà; ẩm phước; hóa chúc văn lễ thành. Sau khi cúng ở bên trong đình, Ban Khánh tiết tiến ra sân cúng Thần Nông.

Thường ở các đình cúng chay vào ngày đầu, cúng mặn ngày sau, một số đình ở khu vực có đông tín đồ đạo Cao Đài vào ngày đầu do đạo thực hiện tế lễ theo nghi thức của đạo, ngày sau thực hiện tế lễ theo nghi thức của đình như ở đình Phước Hội (huyện Dương Minh Châu) dần đã tạo nên nét đặc trưng trong việc cúng đình ở Tây Ninh.

Việc cúng đình là việc chung của làng xã, nên vào mỗi dịp cúng đình mọi người cùng quây quần lại với nhau, mỗi người một việc phụ giúp để lo việc cúng tế thần thành hoàng và Thần Nông cho được chu toàn. Qua đây đã tạo nên sự gắn kết mọi người lại với nhau, càng thêm thắm thiết tình làng nghĩa xóm.

Vào mỗi dịp cúng Cầu bông, rất đông người dân đến viếng, nhiều hộ gia đình nấu xôi, làm bánh ít, bánh ú, bánh quy hay khá giả hơn là quay heo mang đến đình cúng. Giữa các đình giao lưu cúng tế qua lại với nhau đã tạo nên sự đoàn kết, tương thân tương ái giữa các địa phương.

Vào mỗi dịp trung Thu, bên cạnh tết cho thiếu nhi, ở Tây Ninh còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như Hội yến Diêu Trì cung ở Tòa thánh Tây Ninh, lễ vía Phước Đức chánh thần ở hội quán Thất Phủ (thị xã Trảng Bàng) và còn có lễ cúng Cầu bông trong các đình làng… Qua đó cho thấy đời sống tinh thần cùng các phong tục, tập quán, lễ nghi rất đa dạng, phong phú ở mảnh đất phía Tây Nam của Tổ quốc.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/le-cung-cau-bong-trong-dinh-lang-tay-ninh-a163719.html