Lễ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Thượng và nhà gồm những gì?

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ đặc biệt của đất nước, ngày mà mọi người dân đều một lòng hướng đến những vị vua đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước trong những năm đầu khai dựng lịch sử Việt Nam.

Đông đảo du khách thập phương về dự Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đông đảo du khách thập phương về dự Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hóa (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia.

Với tinh thần kế thừa và phát triển, năm 1990 và 1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức Quốc gia trọng thể, trang nghiêm.

Vào ngày này, người dân khắp mọi miền tụ họp về chân núi Ngọc Lĩnh – Phú Thọ để cùng dâng hương tưởng nhớ các vị vua Hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những con người đã có công dựng nước và giữ nước, mang trong mình một lòng thành kính đối với tổ tiên.

Và không chỉ có những người con Lạc cháu Hồng tìm về với nguồn cội, mà mọi người dân trong cả nước cũng chuẩn bị những mâm cúng thịnh soạn cho ngày Giỗ Tổ.

Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Thượng

Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn hàng năm của người Việt. Trong ngày này, không chỉ ở đất tổ Phú Thọ mà các hoạt động văn hóa, tâm linh còn được tổ chức ở khắp mọi nơi trên cả nước. Nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cúng vô cúng tươm tất để tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Hùng. Do vậy, câu hỏi “Giỗ tổ Hùng Vương cúng gì?” luôn được nhiều người quan tâm.

Tương truyền vào thời nhà Nguyễn, lễ vật trong nghi thức tế lễ Hùng Vương gồm có heo, bò và dê. Trên tấm bia đá tại đền Thượng (Khu di tích lịch sử đền Hùng) cũng đề cập đến những lễ vật tương tự. Về sau, việc dâng lễ được cải biên một phần nhưng cơ bản vẫn giữ được ý nghĩa chung của lễ vật dâng cúng trong mùng 10/3 Âm lịch.

Theo hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hóa, lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương cần phải có:

- 18 cái bánh dày

- 18 cái bánh chưng

- Hương, hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả

Trong đó, con số 18 đại diện cho 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước. Theo quan niệm dân gian, hai loại bánh trên tuy đơn giản nhưng ẩn chứa ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Cụ thể, bánh dày có hình tròn, thuộc hệ dương, không có góc cạnh, hình khối cụ thể, có thể giãn nở mọi phía, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân. Trong khi đó, bánh chưng có hình vuông, thuộc hệ âm, có góc cạnh, hình khối cụ thể, tượng trưng cho đất đai, hoa cỏ, cây cối nên có màu xanh, bên trong có nhân thịt và đậu xanh đãi vỏ. Sự đối lập giữa âm và dương, trời và đất, vuông và tròn nói lên biết bao điều tốt đẹp của dân tộc, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa vợ chồng son sắc, đó là công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn lao của cha mẹ.

Đoàn rước kiệu của các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Đoàn rước kiệu của các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng phồn thực và triết lý “Nõ – Nường – Chày – Cối – Chưng – Dày”, hai hình ảnh trên còn biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Theo đó, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên. Cha Rồng mẹ Tiên chính là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

Ngoài những lễ vật nêu trên, mâm cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương ở các địa phương còn có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà trống thiến luộc, thịt bò, thịt dê và thịt heo đen.

Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại nhà

Lễ vật thờ cúng dịp Giỗ Tổ có lễ chay và lễ mặn, tùy theo ý muốn và điều kiện của gia chủ. Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng tổ tiên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay.

Mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh giày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.

Ngoài ra, hương, hoa, trầu cau, muối gạo và 1 ly nước sạch cũng là những thứ không thể thiếu trên mâm lễ.

An Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/le-cung-gio-to-hung-vuong-tai-den-thuong-va-nha-gom-nhung-gi/239463.html