Lễ cúng Khai sơn ở Tây Sơn Thượng đạo

Cúng Khai sơn hay còn gọi là cúng mở cửa rừng được cộng đồng cư dân ở thị xã An Khê duy trì qua bao đời nay.

Lễ cúng diễn ra vào đầu xuân với mục đích cầu quốc thái dân an, xin các vị thần linh cho phép người dân lên rừng, xuống suối, ra đồng gặp may mắn, bình an và nhắc nhở thế hệ cháu con biết trân quý, gìn giữ rừng xanh.

Tiếng mõ mở cửa rừng

Đã thành thông lệ, vào sáng sớm mùng 10 tháng Giêng, tất cả thành viên Ban nghi lễ đình An Khê và đông đảo người dân trong vùng tập trung tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo (phường Tây Sơn) chuẩn bị lễ cúng mở cửa rừng.

 Vào dịp cúng Khai sơn, tiếng mõ gióng lên vang âm từ sân đình ngầm thông báo sự kiện quan trọng của làng xã. Ảnh: N.M

Vào dịp cúng Khai sơn, tiếng mõ gióng lên vang âm từ sân đình ngầm thông báo sự kiện quan trọng của làng xã. Ảnh: N.M

Ông Nguyễn Sơn-Thành viên Ban nghi lễ đình An Khê-cho biết: Lễ cúng mở cửa rừng diễn ra tại An Khê trường nhưng tất cả ban thờ tại An Khê đình, điện thờ Tam kiệt, nhà tiền nhơn và các dinh trong Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo đều dâng mâm cơm cúng gồm: xôi, chè, bánh chưng, thịt, cá, cơm, canh, món xào đủ đầy. Riêng dinh ông Hổ trước An Khê đình có thêm miếng thịt heo 3 sườn sống (nguyên khối gồm da, thịt, xương). “Khối lượng vật phẩm, mâm cúng nhiều, chúng tôi phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Sáng sớm hôm sau, các thành viên trong Ban nghi lễ đình sắp mâm cúng, hoàn tất văn sớ đảm bảo việc cúng tế diễn ra như tục xưa”-ông Sơn chia sẻ.

Đến giờ lành, lễ cúng khởi đầu bằng hồi chiêng, hồi trống vang vọng cả vùng quê. Trong không khí trang nghiêm, các cụ trong Ban nghi lễ đình An Khê thực hiện các bước cúng tế, dâng hương, dâng đèn, trà, rượu, kính cáo trời đất, thần linh và các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng.

Theo lệ xưa, sau phần cúng thần linh, các bậc tiền nhân, người đứng đầu Ban nghi lễ đánh một hồi mõ, báo hiệu với dân làng cúng Khai sơn đã xong, cửa rừng được mở, người dân có thể lên rừng, ra đồng sản xuất, thu hái sản vật, khởi đầu năm mới thuận lành.

Ông Trần Ngọc Hỷ-Trưởng ban nghi lễ đình An Khê-cho hay: Theo quan niệm của người xưa, vạn vật hữu linh. Vì thế, chưa tổ chức lễ cúng Khai sơn kính cáo các vị thần linh thì người dân không được phép vào rừng, lên nương rẫy, ra sông suối. Nếu làm trái sẽ bị thần linh quở trách, gặp khó khăn, không may mắn trong lao động sản xuất. Điều này thể hiện cách ứng xử nhân văn giữa con người với thiên nhiên; hơn cả là nhắc nhở cháu con đánh bắt, thu hái lâm sản phụ có chừng mực, không khai thác bừa bãi, hoang phí, phải biết bảo vệ tài nguyên, giữ sắc xanh đại ngàn.

Giới thiệu với tôi về chiếc mõ cổ đình làng, ông Hỷ kể rằng: Từ nhỏ, ông đã thấy chiếc mõ ở đình. Hàng năm, vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp, Ban nghi lễ dùng giấy vàng mã bịt miệng mõ. Việc làm này giống như cuối năm đóng cửa rừng. Sau khi tổ chức lễ cúng Khai sơn, đại diện Ban nghi lễ xé bỏ lớp giấy rồi đem hóa niêm phong. “Theo tháng năm, chiếc mõ trở thành nhạc khí quan trọng không thể thiếu trong lễ cúng Khai sơn”-ông Hỷ nói.

 Thành viên Ban nghi lễ đình An Khê tổ chức lễ cúng Khai sơn theo nghi thức truyền thống. Ảnh: N.M

Thành viên Ban nghi lễ đình An Khê tổ chức lễ cúng Khai sơn theo nghi thức truyền thống. Ảnh: N.M

Nếu như chiếc mõ tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo đại diện cho ấp Tây Sơn Nhất thì chiếc mõ trăm tuổi tại miếu An Bình (tổ 3, phường An Phước) đại diện cho ấp Tây Sơn Nhì. Ông Nguyễn Văn Trung-Trưởng ban nghi lễ miếu An Bình-chia sẻ: “Chiếc mõ có từ khi xây dựng miếu, cách nay cả trăm năm. Mỗi dịp cúng mở cửa rừng, chúng tôi trang trọng đặt mõ trước mâm cơm cúng các vị thần linh. Sau phần lễ, chúng tôi gióng hồi mõ, rồi đem cất kỹ, bảo quản cẩn thận. Đây là một trong những vật quý của miếu An Bình”.

Là người quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu phong tục tập quán, văn hóa vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Mõ là dụng cụ thông tin phổ biến của con người từ xa xưa, gắn liền với thời kỳ khai hoang lập làng. Mõ được đục từ thân cây tre hoặc gỗ nguyên khối, dễ tìm nguyên liệu, dễ chế tác, dễ sử dụng, tiện lợi cho dân di cư đến vùng đất mới còn nhiều khó khăn.

“Mõ ở đình, miếu có kích thước lớn hơn. Khi làng có việc hệ trọng hoặc khẩn cấp, tiếng mõ vang lên để tập hợp dân chúng. Về sau, mõ trở thành nhạc khí thiêng, cùng với chiêng và trống, tham gia vào nghi lễ cúng Kỳ yên (cầu an) hoặc thông báo hiệu lệnh quan trọng tại các đình, miếu”-Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn thông tin.

Tục cúng khai sơn

Tương truyền, khi những người Việt đầu tiên đến vùng Tây Sơn Thượng đạo mở đất lập làng, rừng núi còn hoang sơ. Con người thường bị các loài thú dữ quấy rối, nhất là hổ. Từ đó, các bậc cao niên, chức sắc đặt ra lễ cúng Khai sơn để được các vị thần bảo hộ, chở che khi lên rẫy, vào rừng, xuống sông suối, làm ăn thuận lợi, hanh thông; đồng thời, mong cầu mưa thuận gió hòa, sông suối hiền hòa, thủy sản sinh sôi, gia súc, gia cầm khỏe mạnh, nông dân được mùa cây trái, no đủ, gặp nhiều may mắn.

Theo tục xưa, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, tất cả các đình, miếu, dinh... đều đồng loạt tổ chức lễ cúng mở cửa rừng. Lễ cúng trở thành nét văn hóa dân gian độc đáo, không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân và được gìn giữ, lưu truyền đến nay.

 Người dân quây quần chuẩn bị mâm cơm lễ cúng Khai sơn tại An Khê trường. Ảnh: N.M

Người dân quây quần chuẩn bị mâm cơm lễ cúng Khai sơn tại An Khê trường. Ảnh: N.M

Tại miếu An Xuyên (tổ 4, phường Tây Sơn), lễ cúng Khai sơn thực hiện trong miếu và dâng cúng các vị thần linh mâm cỗ chay có xôi, chè, hoa quả, nhang đèn, trà, rượu trước cổng. Kết thúc lễ cúng, ông Trần Thái Dũng-Chánh bái Ban nghi lễ chặt tượng trưng cành cây đặt trước ban cúng, thay lời cáo xin thần linh cho mở cửa rừng đầu năm thuận lợi. “Các cụ xưa đặt ra tục cúng Khai sơn giống như miền đồng bằng có lễ tịch điền, miền biển có lễ cầu ngư. Đây cũng là dịp để người dân tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất đai, lập làng giữ xóm; trao những mong ước, gửi gắm hy vọng một năm mới đủ đầy, mùa màng bội thu, gia đạo bình an, khỏe mạnh”-ông Dũng tâm sự.

Đình Cửu An (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) được xem là tổ đình của ấp Tây Sơn Nhì. Ngoài cúng Quý Xuân, Quý Thu, cúng đưa Chư thiên, cúng Nguyên đán rước Chư thiên, nhiều năm nay, Ban nghi lễ đình và người dân duy trì tổ chức cúng Khai sơn. Ông Trần Thanh Luân-Trưởng ban Quản lý đình Cửu An-cho hay: “Lễ cúng Khai sơn ăn sâu vào tâm thức của bà con. Cứ tới ngày 10 tháng Giêng, nghe tiếng chiêng, tiếng trống tự khắc mọi người quy tụ về đình. Trong thời gian chế biến, nấu nướng và thụ lộc, bà con chuyện trò, thăm hỏi, chúc nhau một năm an lành, tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt; đoàn kết xây dựng quê hương đẹp giàu”.

Theo ông Trần Hoàng Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An: Trên địa bàn xã có đình Cửu An, dinh Bà (thôn An Điền Bắc), miếu An Điền Nam (thôn An Điền Nam) và phán An Bình (thôn An Bình). Tất cả đều duy trì lễ cúng Khai sơn và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Lễ cúng tổ chức dịp đầu năm, không những kính cáo thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối cho phép người dân vào rừng, ra đồng, xuống sông, suối đánh bắt, hái lượm sản vật; mong cầu mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, giáo dục, nâng cao ý thức người dân chung tay bảo vệ rừng.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/le-cung-khai-son-o-tay-son-thuong-dao-post309215.html