Lê Hoàng Thế - người mở đường tận tụy
Ông không chỉ trồng nấm linh chi mà còn đang cố công nghiên cứu để chứng minh rằng loại nấm này là 'của Việt Nam' đã được ghi nhiều trong sử sách…
Nếu chọn định nghĩa “người mở đường là người khai phá và đặt những bước chân đầu tiên trên con đường mới; là người tiên phong, đặt nền móng cho sự phát triển của một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống” thì ông Lê Hoàng Thế là người… mở quá chừng con đường trong suốt hơn 30 năm nay.
Từ “ông Việt kiều đời đầu” làm chuyện ngược đời…
Hồi đầu năm tôi nhận được một món quà là hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe làm từ nấm linh chi của đơn vị rất lạ là VOS Ecosystem. Tò mò tìm hiểu, hóa ra đây là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (health supplement) duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận USDA-NOP, USPTO, GLOBALGAP, GMP, ISO mang thương hiệu VOS Ganolucidum được FDA của Hoa Kỳ cấp phép.
Sản phẩm đang bán chạy trên Amazon và được gắn nhãn Climate Pledge Friendly (sản phẩm thân thiện với môi trường). Tìm thêm thông tin thì thấy tác giả của sản phẩm này là ông Lê Hoàng Thế, người đã dành 10 năm đi trồng rừng từ Nam ra Bắc, từ Cà Mau tới Hà Giang lấy tán rừng trồng nấm linh chi để đạt chuẩn dược phẩm.
Tôi yên tâm… uống thử đều đặn một tháng thấy mình thực sự giảm cân và có chút khỏe mạnh hơn. Hết “thuốc”, tìm khắp nơi không thấy bán, mua từ Amazon thì phức tạp quá nên tôi gửi email cho VOS Ecosystem. Trả lời tôi là ông Thế. Trò chuyện qua lại mới hay ông đang thực hành mô hình nông nghiệp tái sinh (regenerative agriculture) - một hướng tiếp cận khác trong nông nghiệp nhằm cải tạo sức khỏe đất, nước, hạn chế cày xới, khuyến khích trồng nhiều loại cây và nông sản đa dạng, đồng thời bảo tồn các chất hữu cơ trong đất để giúp cây trồng phát triển tốt.
Và đúng kiểu một ông tiến sĩ khoa học, ông Thế gửi cho tôi khá nhiều tài liệu, hình ảnh, chứng nhận để tôi… yên tâm uống các viên linh chi từ rừng tái sinh của ông. Thú thật, chỉ email qua lại với ông mà lần nào cũng tốn vô cùng nhiều thời giờ vì muốn đọc hiểu các tiêu chuẩn, các khái niệm mà ông đề cập là lại sa đà vào một vũ trụ thần kỳ của thế giới được gọi tên là “nền kinh tế xanh lam”.
Cảm giác rất lạ khi ngồi xem những thước phim tài liệu về ông Thế lặn lội vô những vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn trồng rừng, những nông dân trồng nấm ghi nhật ký canh tác, đọc thấy tên ông trong các trang thông tin của tổ chức WWF về đơn vị từ Việt Nam cam kết đủ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí phát triển rừng bền vững…
Trên YouTube còn lưu lại một video từ gần 20 năm trước VTV4 làm phóng sự dài 30 phút Con Lạc cháu Hồng nói về hành trình của một chuyên gia Việt kiều “thế hệ đầu tiên” chịu trở về nước, lụi cụi xây dựng chuẩn cho bánh tráng Củ Chi rồi đem qua Nhật làm show hướng dẫn cách làm chả giò... Chương trình này lại kể chuyện ông Thế đi tìm đủ nguồn lực trên thế giới về Việt Nam để sản xuất xe đạp điện, lại kể chuyện tuy là nhà khoa học kiêm doanh nhân nhưng ông còn là huấn luyện viên - vận động viên người Việt duy nhất tham dự giải lướt ván chuyên nghiệp thế giới, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự SEAGames 19 năm 1997 môn water ski (lướt ván), xong tuyển các cựu quân nhân lập CLB thể thao dưới nước ở Hội An, tranh thủ mời luôn 12 nhà điêu khắc thế giới về làm cái vườn tượng giờ vẫn còn lung linh ở quảng trường sông Hoài…
Tôi tự hỏi, ông này kiếm đâu ra nhiều năng lượng mà làm nhiều thứ dữ vậy ta. Không lẽ là do ăn nấm linh chi tự trồng sao ta…
Tới “ông keo lai” trồng rừng mà… không cho thu hoạch
Để giải tỏa hết tò mò về sự độc đáo mang tên Lê Hoàng Thế, tôi đòi gặp ông. Ấn tượng đầu tiên, là một ông anh ngoài 60 nhưng rất phong độ, dáng vẻ rất thể thao, tóc bạc trắng nhưng được cắt tỉa rất hiện đại đang đứng chờ bên dưới tòa nhà văn phòng. Bước vào bên trong, chợt nhìn thấy các bồn hoa có trồng nấm nên tôi đứng lại.
Ông vui vẻ giải thích: “Đây là nấm linh chi ở rừng, vốn sống cộng sinh với nhiều loại cây khác nhưng mình cố gắng di thực nó về đây, cho nó thử sống một mình, hóa ra vẫn sống rất khỏe”. Ông hào hứng chỉ cho tôi xem các bào tử nấm đang bay từ cây này sang cây khác, nhuộm nâu cả mấy vệt cỏ xung quanh.
Cái bệ hoa công cộng người qua kẻ lại, thấy ánh mắt tôi mang hình dấu hỏi, ông cười xòa: “Thì cũng nhiều người tò mò sờ thử, rồi bẻ thử, xong đọc thấy cái note ghi là “tiên thảo dược” thì lại tò mò hơn. Họ tò mò là vui rồi, scan cái QR code thì đọc được thông tin về loại nấm linh chi mà từ ngàn năm trước Tuệ Tĩnh thiền sư (1330 - 1400) hay Hải Thượng Lãn Ông (1720 - 1791) đã ghi nhận là Nam dược cho Nam nhân với tên gọi là thần tiên thảo…”. Hóa ra, ông không chỉ trồng nấm linh chi mà còn đang cố công nghiên cứu để chứng minh rằng loại nấm này là “của Việt Nam” đã được ghi nhiều trong sử sách trước khi người Trung Quốc biết đến sự… thần tiên của nó.
Ông mở điện thoại, đưa tôi coi mớ nấm linh chi mà ông trồng như trồng hoa cảnh trong nhà, theo dõi mỗi ngày tụi nó lớn lên. Ông bảo ngày xưa muốn cải tạo một giống cây thì tốn nhiều thời gian và công sức lắm, nhưng giờ công nghệ phát triển, dữ liệu gene đầy đủ, máy móc đầy đủ, data base các nghiên cứu khoa học thì nhiệm vụ của người làm công nghệ sinh học vi sinh phải lo đi trước nhu cầu cuộc sống, tìm cách nhanh nhất đưa ra các giống sản phẩm mới mà vài năm nữa dự báo là thị trường sẽ rất cần…
Tôi lại nhìn ông, ánh mắt dò hỏi kiểu như “Cuối cùng là tiến sĩ Thế làm khoa học hay làm kinh doanh?” - ông cười, giọng Đồng Tháp rất ấm: “Phải làm sản xuất để nuôi khoa học, rồi lại làm khoa học để phục vụ sản xuất chứ”. Rồi ông nói chuyện sầu riêng, chuyện trái xoài, chuyện máy chiếu xạ cho tới đủ thứ công nghệ giúp đưa nông sản Việt Nam đi xa. “Hồi xưa lúc anh Thế cùng gầy dựng hiệp hội trái cây Việt Nam để tìm cách đưa xoài Việt Nam sang Nhật Bản, sang khách sạn 5 sao GRAND của Pháp… trái xoài từ vườn cây đến bàn ăn phải còn “lông của da xoài”, cực dữ lắm vì có nhiều việc mình không biết. May nhờ có công nghệ và khoa học nên giải quyết từ từ. Giờ sầu riêng đang nổi lên, mình phải tính làm sao để cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan ở các thị trường khác, mùa nào người ta có trái rồi thì mình phải trồng trái vụ để thị trường có quanh năm…”.
Chúng tôi lại nói qua việc ông lai tạo giống cây keo - một loại cây có khả năng phủ nhanh đất trống đồi trọc nhất với diện tích canh tác nhiều triệu hecta ở Việt Nam. Ông Thế cho lai tạo keo bản địa với keo của Úc để ra một giống có sức sống mạnh hơn và khoảng 5 năm tuổi là có thể thu hoạch. Vấn đề của ông là keo 5 tuổi mà bán thì chỉ thu được 200 triệu đồng/hecta vì là bán củi, nhưng ráng thêm chút nữa, chừng 8 năm thì giá có thể cao hơn 3 lần. Và bài toán kinh tế xuất hiện ở đây: có thể trồng nấm linh chi dưới tán rừng, chỉ cần 4 tháng là thu hoạch nấm. Rừng có chứng nhận FSC-FM theo chuẩn của Hội đồng quản lý rừng thế giới, đất có chứng nhận organic của Mỹ thì được lợi thêm về giá trị lẫn tín chỉ carbon.
Càng đi dài hơn hành trình của rừng thì lợi ích không chỉ tính bằng tiền mà còn bằng giá trị của sức khỏe, của các tác động tới cộng đồng và du lịch…
Và giấc mộng vùng nguyên liệu dược phẩm thế giới
Ông Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) này sống một mình ở Sài Gòn, đi đi lại lại giữa các khu rừng với một giấc mơ lớn về vùng nguyên liệu: “Rừng mình trồng được nấm linh cho đạt chuẩn FDA, USDA-NOP, GlobalGAP, USPTO, Amazon Brand Regis khó ơi là khó, có nghĩa là trồng được nhiều loại dược liệu khác nhau. Dư địa mà chúng ta chưa khai thác trên đất mẹ còn nhiều lắm…”.
Chào ông ra về, tôi mở điện thoại xem lại định nghĩa “người mở đường”, thấy thêm một đoạn nhấn mạnh về phẩm chất của những ai đi trên con đường chẳng mấy ai đi này: “Những người mở đường thường là những con người có tài năng, có khát vọng đổi mới, khám phá và sáng tạo trong cuộc sống. Dũng cảm, táo bạo, giàu bản lĩnh và khí phách để có thể dấn thân vào hành trình sáng tạo và bảo vệ đến cùng chân lý khoa học, bảo vệ thành quả mà mình tạo ra. Họ cao thượng, sẵn sàng cống hiến tận tụy, vô tư cho tương lai tốt đẹp của nhân loại, cho sự tiến bộ của xã hội dẫu có bị đọa đày, lên án, vùi dập hay có phải hy sinh”.
Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/le-hoang-the-nguoi-mo-duong-tan-tuy-39345.html