Lễ hội Chá Mùn của dân tộc Thái đen ở xã Yên Thắng
Lễ hội Chá Mùn là một loại hình hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen ở xã Yên Thắng (Lang Chánh). Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần với quy mô cấp xã. Đây được xem là một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái đen với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui.
Một nghi thức trong Lễ hội Chá Mùn của đồng bào Thái đen ở xã Yên Thắng.
Theo truyền thuyết, xưa kia ở bản làng Mường Lúm đất đai cằn cỗi, hạn hán kéo dài, người dân đói khổ, vất vả, thường xuyên bị dịch bệnh, ốm đau triền miên, không có thuốc để chữa bệnh. Để cứu giúp dân làng, đồng bào dân tộc Thái đã cử người lên Mường Trời cầu cứu Pó Then. Lời kêu cứu của người Mường Lúm đã làm Pó Then động lòng thương xót và ra lệnh mở cổng trời cho quân lính, thần y xuống trần gian diệt trừ tà ma, chữa bệnh cứu giúp dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, bản làng yên ấm. Và cứ vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, đồng bào dân tộc Thái đen ở xã Yên Thắng lại tổ chức Lễ hội Chá Mùn.
Lễ vật cúng gồm có: trầu cau, quả, xôi, gà, gạo muối, bánh gai, rượu... Trung tâm của lễ hội là cây bông (gọi là Boọc mạy). Trên cây bông trưng bày đủ loài hoa, chim muông... và được đặt ở giữa sân. Gần cây bông đặt vò rượu cần. Trong lễ hội Chá Mùn thường có 4 bước. Bước 1 là khâu chuẩn bị, bước 2 đón thần linh, bước 3 các hoạt động lễ hội, bước 4 kết thúc lễ hội. Trong hoạt động của lễ hội đều chứa đựng cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể, được thể hiện qua các câu từ, âm nhạc, điệu múa, các loại hình con vật, các loài hoa trang trí trên cây bông. Chủ buổi lễ là thầy lang được người dân tín nhiệm và là người chữa khỏi bệnh cho nhiều người dân trong làng. Với lòng thành kính, đồng bào dâng lên trời đất những sản vật do chính họ làm ra, đồng thời cầu mong thần linh phù hộ mọi nhà khỏe mạnh, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Ngoài ra, trong lễ hội người dân còn trình diễn những trò chơi, trò diễn độc đáo như ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo... cùng những làn điệu dân ca được hát, múa xung quanh cây bông tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng...
Thông qua lễ hội, người dân gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc và cũng là dịp để người dân giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua đó vun đắp, gìn giữ những nét đẹp về phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng như ứng xử trong cộng đồng. Đồng thời, là điều kiện thuận lợi để huyện Lang Chánh quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của cộng đồng người Thái đen tới đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển sản phẩm du lịch độc đáo trong chuỗi các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn.