Lễ hội dân gian ở Thụy Điển [Kỳ III]

Thụy Điển là một nước còn giữ nhiều truyền thống nông dân và tôn giáo, có nhiều lễ hội dân gian. Dưới đây, xin giới thiệu tiếp một số lễ hội dân gian Thụy Điển.

Cá trích muối. (Nguồn: Isof)

Cá trích muối. (Nguồn: Isof)

+ Tục ăn cá trích ngấu (Surströmmmingspremiären): Ở các vùng bờ biển Baltic phía Bắc, người ta đóng hộp cá trích muối, cho gia vị, rồi để cho ngấm; men lên làm hộp phồng lên gần thành hình tròn. Mẻ đầu trong năm thường đem bán vào ngày thứ năm của tuần thứ ba trong tháng Tám. Mở hộp ra có mùi rất nặng xông lên, người thì lấy làm thú vị, người thì bịt mũi chạy mất. Người ta ăn loại cá này với những lát bánh đại mạch, hành sống, khoai tây củ nhỏ hình hạnh nhân. Có nơi để cá, hành, khoai lên một lát bánh mì rồi gập lát lại ăn như bánh mì kẹp nhân. Vừa ăn vừa uống bia, rượu trắng; người sành ăn cho là uống với sữa thì tuyệt.

+ Lễ các Thánh (Alla helgons dag, Toussaint): Từ năm 1952, lễ các Thánh được phục hồi để đáp ứng nhu cầu của nhân dân muốn có ngày tưởng niệm người chết. Lễ này vẫn được giữ ở các nước châu Âu theo Công giáo, nhất là qua hai thế chiến có rất nhiều người chết. Lễ tổ chức vào ngày thứ Bảy liền sau ngày 30/10. Vào ngày đó, gia đình đi viếng mộ, đặt lên mộ những vòng cành lá linh sam và buổi tối, thắp đèn nến bên cạnh mộ.

+ Tục ăn ngỗng Martin (Martin gas): Lễ thánh Martin vào ngày 11/11, tưởng niệm cả thánh Martin de Tour lẫn thánh Luther mà lễ chính rơi vào ngày 10. Xưa kia, lễ này rất quan trọng đối với nhà nông và người buôn bán, vì đó là lúc công việc đồng áng hết Thu sang Đông, cũng là lúc khóa sổ tiền nong. Nhân dịp ấy, người ta thường ăn ngỗng. Ngày nay, ngày 11/11, ở tiệm ăn hay ở nhà, tiệc ngỗng bắt đầu bằng món súp đen nấu bằng tiết ngỗng.

+ Ngày hội các ông bố (Fars dag): Vào ngày chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng 11. Sáng kiến này ở Thụy Điển bắt đầu từ trường học, đã lan sang các nước Bắc Âu khác. Tại các cửa hàng có bán tặng phẩm và con cái vẽ và làm đồ vật xinh xinh tặng bố, mang bữa điểm tâm đến giường bố, kèm cả bánh ngọt và quà tặng (nhiều khi là cà vạt).

+ Lễ Mùa vọng (Avent): Lễ báo hiệu lễ Giáng sinh. Ngày Chủ nhật đầu của mùa Vọng, nhà thờ rất đông. Trong thời gian lễ, phố xá và khu công cộng được trang trí bằng hoa, đèn và cây linh sam. Ở nhà, cứ mỗi Chủ nhật, người ta thắp một ngọn nến, nên đến lễ Giáng sinh thì có bốn ngọn nến trên cây đèn bốn nhánh. Vào những năm 30 thế kỷ XX, người ta bán những lịch đặc biệt, đài và vô tuyến có buổi phát thanh riêng cho trẻ em. Ở các cửa sổ treo các ngôi sao bằng bìa, rơm hay kim khí có thắp nến ở trong hoặc các cây nến chùm năm, bảy nhánh.

+ Lễ nữ thánh Lucia (ngày 13/12): Biểu tượng niềm hy vọng ánh sáng mặt trời sớm trở lại sau mùa Đông, trời tháng Chạp rất tối. Lễ hội được tổ chức vào mùa Đông, khi đó ở vùng Bắc Âu trời đã giá lạnh, đôi nơi có tuyết rơi. Theo truyền thuyết Trung cổ, đêm lễ hội là đêm dài nhất năm. Vì vậy, phải cho người và vật ăn thêm kẻo đói. Nữ thánh Lucia đầy hào quang đến sớm gọi mọi người dậy. Từ cuối thế kỷ XVIII, có tục thiếu nữ mặc quần áo trắng dài, đội mũ miện óng ánh, bưng thức ăn đến. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, có tờ báo mở cuộc thi chọn Nữ thánh Lucia cho thủ đô, do đó có tục lệ mới ấy.

Sáng ngày lễ nữ thánh Lucia, ở các địa phương, cơ quan, trường học đều chọn nữ thánh Lucia riêng, ăn mặc như trên, bưng khay cà phê, bánh mỳ nhỏ có nghệ hoặc rượu vang nóng. Theo sau cô là các thị nữ mặc đồng phục như vậy, các chàng thị vệ cũng mặc đồ trắng, đội mũ giấy hình chóp và hát các bài ca Lucia truyền thống.

+ Lễ Chúa giáng sinh (24/12): Đây là lễ hội dài nhất và quan trọng nhất trong năm. Học sinh nghỉ hai tuần. Tục lệ cây thông Noel nhập vào Thụy Điển từ thế kỷ XVIII, nhưng chỉ thực sự phổ biến từ thế kỷ XIX. Vài ngày trước lễ, các gia đình bố trí cây thông Noel được trang trí bằng tràng dây óng ánh, bóng thủy tinh, kẹo, vật nhỏ bằng rơm, nến hay bóng đèn điện. Người ta vẩy nước cố giữ cây tươi cho đến lễ Knut hai mươi ngày sau lễ Giáng sinh. Ngoài trời có trồng cây Noel thắp sáng.

Ngày 24, người ta nghỉ ngơi, trước đây nhà nông nghỉ, chỉ làm việc trông nom gia súc mà thôi. Bữa cỗ Noel có món Smörggasbord và vài món đặc biệt như jambon, chân giò, các thu khô nấu (Lut-fisk), gạo nấu sữa; còn có tục ăn bánh mì thả vào nước jambon.

Sau bữa ăn, ông già Noel (Tomte) xuất hiện. Theo truyền thuyết, có chỗ ông cũng gần như ông Táo quân Việt Nam; ông sống dưới sàn nhà và chuồng bò và bảo vệ người và súc vật. Một người trong gia đình đóng giả ông già Noel (mặc áo khoác đỏ hay xám, đội mũ nhọn, đeo bộ râu dài) mang một bị quà đến.

Buổi sáng ngày lễ, người ta đi nhà thờ làm lễ rất sớm. Ngày xưa đi lễ về, người ta thi nhau đi về nhà bằng xe ngựa hay xe trượt tuyết; ai về nhà trước thì năm ấy được mùa to. Hội lễ tổ chức thân mật trong gia đình, tiệc tùng chỉ làm từ ngày hôm sau, có khi kéo tiếp đến mấy tuần sau đó.

+ Lễ Chúa hiện thân (Trettonhelg): ngày 6 và 7 tháng Giêng, theo sự tích Chúa Jesus hiện thân trước ba vua pháp sư. Học sinh còn đang nghỉ lễ Giáng sinh nên có nhiều người lớn xin nghỉ để tổ chức lễ (diễn kịch ba vua pháp sư, con trai mặc áo trắng đi diễn như dịp lễ nữ thánh Lucia).

+ Lễ Knut: trước kia trùng ngày với lễ trên. Sau khi lịch Thụy Điển cải cách, thì lễ vào một tuần sau, coi như chấm dứt lễ Giáng sinh, như lễ “phá cỗ” Trung thu ở ta. Trẻ con mời bạn đến uống nước chanh, ăn bánh, chơi vui rồi hát và lấy các thứ trang trí cây Noel trước khi vứt cây ra khỏi nhà.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-hoi-dan-gian-o-thuy-dien-ky-iii-228507.html