Lễ hội Đình Hồng Thái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Đình Hồng Thái là sự kết tinh sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc, được xuất phát từ nhu cầu nội tại của người dân, hướng tới những điều tốt đẹp.

Ngày 25/12, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương tổ chức Lễ đón nhận Quyết định danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Đình Hồng Thái.

Lễ hội Đình Hồng Thái là sự kết tinh sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc, được xuất phát từ nhu cầu nội tại của người dân, hướng tới những điều tốt đẹp, cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

 Huyện Sơn Dương đón nhận Quyết định danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đình Hồng Thái. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Huyện Sơn Dương đón nhận Quyết định danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đình Hồng Thái. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Lễ hội Đình Hồng Thái mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày, được đồng bào tổ chức vào đầu năm mới. Phần lễ với các nội dung: Lễ thượng cờ, dâng cỗ, cúng tắc kè gọi mưa, gọi nắng, tổ chức hạ kiệu rước Ngọc Hoa công chúa tại bến lở sông Phó Đáy về Đình Hồng Thái dự hội.

Phần hội được diễn ra với các trò chơi dân gian: thầy đồ dạy học, cày bừa, bắt tôm, bắt cá, múa rối, múa tràng…

Đình Hồng Thái là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Đình Hồng Thái cũng như bao ngôi đình khác là nơi thờ thần Thành hoàng như thần sông, thần núi.

Trước năm 1945, Đình Hồng Thái có tên gọi là đình Kim Trận, thuộc tổng Thanh La. Tháng 3/1945, khởi nghĩa Thanh La giành được chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân Kim Trận họp bàn và quyết định đổi tên xã, lấy tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt tên cho xã mình và đình Kim Trận cũng mang tên Đình Hồng Thái từ đó.

Điểm đặc biệt ở Đình Hồng Thái là các giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng của Quốc gia, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân đầu tiên khi Người từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào chiều ngày 21/5/1945 và là nơi đón tiếp các đại biểu về dự họp Quốc dân Đại hội ở đình Tân Trào ngày 16, 17/8/1945.

 Lễ hội Đình Hồng Thái được tổ chức mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày. Ảnh: sonduong.gov.vn

Lễ hội Đình Hồng Thái được tổ chức mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày. Ảnh: sonduong.gov.vn

Trước đó, ngày 1/6/2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ban hành các Quyết định công bố 12 di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong đó, tỉnh Tuyên Quang có 4 di sản được ghi danh đợt này, gồm: Lễ Nhảy lửa của người Pả Then, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình); Lễ hội đình Hồng Thái, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương); Tri thức về Cọn nước của người Tày các xã Trung Hà, Hà Lang (huyện Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (huyện Na Hang), xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình); Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày các xã Lăng Can, Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên (huyện Lâm Bình).

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-hoi-dinh-hong-thai-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post278321.html