Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Yên Bái trở thành di sản quốc gia
Người Mông huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái luôn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội Gầu Tào khi được công nhận trở thành di sản quốc gia.
Tối 14/2, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Gầu Tào của người Mông huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
![Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội Gầu Tào của người Mông tỉnh Yên Bái.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_590_51484482/e2bb22071149f817a158.jpg)
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội Gầu Tào của người Mông tỉnh Yên Bái.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; với sự trân trọng và tình yêu di sản của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Lễ hội Gầu tào là Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 8 trong tổng số 11 Di sản Văn hóa phi vật thể ở Yên Bái đã vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Gầu Tào là một trong những nét đẹp tiêu biểu, thể hiện tâm linh và tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Mông. Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc có từ rất lâu đời, được đồng bào dân tộc Mông duy trì và gìn giữ. Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, trong những năm qua huyện Trạm Tấu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của huyện.
![Quần thể cây Du Sam núi đất tại thị trấn Trạm Tấu và xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_590_51484482/b6c3717f4231ab6ff220.jpg)
Quần thể cây Du Sam núi đất tại thị trấn Trạm Tấu và xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cùng với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Gầu Tào, quần thể cây Du Sam núi đất tại thị trấn Trạm Tấu và xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Việc công nhận cây Du sam núi đất là Cây Di sản Việt Nam không những góp phần bảo tồn nguồn gen, cung cấp nguồn giống loài cây gỗ quý cho Quốc gia, mà còn có giá trị về lịch sử, cảnh quan và môi trường, là điểm đến của du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng, giáo dục tuyên truyền về bảo vệ rừng và môi trường, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 2318/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Lễ hội Gầu Tào của người Mông huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã công bố và trao Quyết định, Bằng công nhận Cây Di sản cho UBND huyện Trạm Tấu đối với quần thể cây Du Sam núi đất tại thị trấn Trạm Tấu và xã Xà Hồ.
![Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tái hiện bản sắc văn hóa của người Mông tỉnh Yên Bái.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_590_51484482/c16707db3495ddcb8484.jpg)
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tái hiện bản sắc văn hóa của người Mông tỉnh Yên Bái.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - ông Vũ Lê Chung Anh cho rằng: “Để phát huy giá trị di sản, đại diện cho 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cam kết sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực phát huy và thực hành di sản với những hành động cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, góp phần đưa huyện Trạm Tấu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để đồng bào Mông duy trì tổ chức, truyền dạy lễ hội, bảo tồn các nghi lễ truyền thống; phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ và bảo vệ di sản, đặc biệt là thế hệ trẻ, để nét đẹp văn hóa này được lưu truyền mãi mãi”.
Đối với cây di sản, huyện Trạm Tấu sẽ thành lập tổ bảo vệ, theo dõi, chăm sóc, thu hái hạt để nhân giống bảo tồn nguồn gen của loài; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về giá trị và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ cây di sản trong cộng đồng; khai thác các giá trị của quần thể cây Du Sam núi đất được công nhận cây di sản trong phát triển du lịch sinh thái.
Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Trạm Tấu” với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, ca sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên biểu diễn với nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, tái hiện những nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời. Khán giả cũng đã được thưởng thức màn trình diễn khèn Mông độc đáo của các nghệ nhân, diễn viên với một không gian văn hóa đầy màu sắc nhân dịp đầu xuân mới. Khèn Mông là biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Mông tại Yên Bái thường được sử dụng trong nhiều dịp quan trọng như lễ hội, Tết, cưới hỏi hay thậm chí là những buổi gặp gỡ thân tình. Tiếng khèn không chỉ góp phần tạo nên không khí rộn ràng mà còn là nhịp cầu nối kết con người với con người.
![Lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_590_51484482/864643fa70b499eac0a5.jpg)
Lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Sự kiện Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào to lớn không chỉ của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn mà còn của toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về nội dung, giá trị văn hóa của Lễ hội Gầu Tào. Qua đó nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết các dân tộc, tạo mối liên kết phát triển văn hóa - du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Tây Bắc.