Lễ hội Khai ấn Đền Trần - Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đầu Xuân

Hàng năm, vào đầu Xuân mới, tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp), phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), chính quyền địa phương và dân làng Tức Mặc lại tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần (từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) trang trọng với ý nghĩa nhân văn to lớn: cầu cho 'Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị', mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần, mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Nghi thức rước kiệu thuyền Rồng trong lễ rước Nước, tế Cá.

Nghi thức rước kiệu thuyền Rồng trong lễ rước Nước, tế Cá.

Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, đến nay, hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các công trình văn hóa tâm linh, công trình phụ trợ tại Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, tạo điều kiện để khu di tích thành điểm đến du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về dự mỗi dịp lễ hội. Không gian tổ chức các lễ hội tại Đền Trần gồm: Lễ Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng) và Lễ hội Trần truyền thống nhân chính kỵ Đức thánh Trần (Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) vào tháng 8 âm lịch, ngày càng được mở rộng với nhiều hoạt động phong phú.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các vị Vua Trần bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính - ban dấu ấn tín. Mở đầu cho Lễ hội Khai ấn là Lễ rước kiệu Ngọc Lộ tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng (rước chân nhang Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông từ Chùa Tháp sang Đền Thiên Trường) với ý nghĩa rước hương linh của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sang bái yết tiên tổ Trần Triều và chứng kiến các nghi lễ thờ Thủy tổ nhà Trần tại Đền Thiên Trường. Nghi lễ này biểu hiện sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân tộc và tôn giáo (đạo Phật) trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Tại lễ rước kiệu Ngọc Lộ, đám rước hàng trăm người, có đầy đủ cờ, nghi trượng, dàn bát âm, khởi hành từ Đền Thiên Trường sang Chùa Tháp. Đội múa rồng đi đầu đoàn rước kiệu, biểu diễn trong tiếng trống hội rộn rã, náo nức của ngày Xuân. Nổi bật giữa đám rước là kiệu Ngọc Lộ chạm khắc tinh xảo, được gánh bởi các trai tráng khỏe mạnh. Khi đoàn rước kiệu trở về Đền Thiên Trường, bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông được thỉnh từ trong kiệu ra làm lễ kính cáo với các vị Vua Trần, với ý nghĩa bái tổ, tri ân công đức các bậc tiền nhân.

Các nghi lễ rước Nước, tế Cá tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng là những nghi lễ quan trọng mang ý nghĩa nhân văn và lịch sử; tái hiện các nghi thức truyền thống được thực hiện từ xa xưa gắn với xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần, nhằm tri ân công lao của triều đại nhà Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước và cư dân làng chài; cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Đoàn rước Nước, tế Cá gồm: đội múa lân - rồng; chiêng, trống, đội nhạc bát âm; kiệu rước Nước, kiệu rước Cá; đội đánh bắt cá với các vật dụng đánh bắt truyền thống như: vó, giậm, nơm; kiệu Thánh, đội tế nam quan, đội tế nữ quan… Đoàn lễ thực hiện nghi thức rước nước lấy từ giếng Rồng ở phía đông Đền Cố Trạch. Sau đó, đoàn tổ chức đánh bắt 2 loại cá “triều đẩu” (cá quả) và “long ngư” (cá chép), chuyển lên kiệu Rồng, rước về Đền Thiên Trường. Kết thúc nghi lễ, các vị cao niên thực hiện nghi thức dâng Nước, tế Cá. Chính lễ Khai ấn Đền Trần diễn ra vào đêm ngày 14 (giờ Tý) rạng sáng 15 tháng Giêng với nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường và trang trọng tổ chức nghi lễ Khai ấn - tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa).

Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị văn hóa tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Nghi lễ Khai ấn được thực hiện tại ban thờ Trung thiên có 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa trên địa bàn phường Lộc Vượng. Sau khi hoàn thành nghi lễ khai ấn, Ban tổ chức lễ hội mở cửa đền để người dân và du khách vào lễ đầu năm. Rạng sáng 15 tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghi lễ Khai ấn Đền Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho “Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị”. Ấn của nhà Trần khắc 4 chữ “Tích phúc vô cương” có ý nghĩa ban phúc cho con cháu, dạy con cháu, bách gia trăm họ giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.

Đến với Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân, người dân không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc, hòa mình vào các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc sắc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan di tích của Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp Phổ Minh. Từ những công trình tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Trần đến các tài liệu, hình ảnh, hiện vật lịch sử được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế kỷ. Công trình Đền Trần - Chùa Phổ Minh được xây dựng trong khu vực trung tâm của Hành cung Thiên Trường thời Trần. Di tích tọa lạc tại làng Tức Mặc, Phủ Thiên Trường xưa - một trung tâm quyền lực lớn thứ hai sau Kinh đô Thăng Long, là hậu cứ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông của nước Đại Việt (thế kỷ XIII-XIV). Hiện nay, cụm di tích Đền Trần gồm 3 ngôi đền: Đền Thiên Trường - nơi thờ 14 vị Hoàng đế nhà Trần và Thủy tổ họ Trần ở làng Tức Mặc; Đền Cố Trạch là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến, gia tướng; Đền Trùng Hoa là nơi thờ tượng 14 vị Vua Trần. Toàn bộ khu di tích tọa lạc trên một địa thế cao ráo, rộng khoảng gần 8ha, biệt lập với khu dân cư. Thế đất ở đây có dáng ngọa long (rồng nằm). Theo thuyết phong thủy xưa thì đó là thế đất đẹp, thế phát vương. Cả 3 ngôi đền có phong cách kiến trúc khá giống nhau và nằm trong một khuôn viên khép kín, chung một cổng vào, bên trên cổng có bức đại tự chữ Hán “Trần Miếu” vì thế Đền Trần là tên gọi chung cho cả 3 di tích.

Để Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ 2025 thực sự trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách, Ban tổ chức lễ hội đã khôi phục và tổ chức đầy đủ các nghi thức rước kiệu, tế lễ truyền thống kết hợp nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, trò chơi dân gian đặc sắc. Theo Kế hoạch, ngày 11 tháng Giêng (8/2) tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (9/2) tổ chức Lễ rước Nước, tế Cá. Ngày 14 tháng Giêng (11/2), UBND thành phố Nam Định sẽ chủ trì các hoạt động dâng hương tại Đền Thiên Trường. Trong thời gian diễn ra Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng), Ban tổ chức lễ hội sẽ đóng cửa Đền Thiên Trường thực hiện nghi lễ truyền thống tôn nghiêm. Từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước kiệu Ấn. Ngày 15 tháng Giêng (12/2), từ 2h sáng thực hiện lễ hồi kiệu Ấn; từ 5h sáng tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (13/2) thực hiện các nghi thức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Triều Trần, dâng chúc văn hoàn cung. Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên Khu di tích Đền Trần, Quảng trường Đông A, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm sẽ được tổ chức như: múa lân - sư - rồng, thi đấu cờ người, chọi gà, trưng bày sinh vật cảnh, các sản phẩm OCOP Nam Định, triển lãm ảnh “Thành Nam những mốc son lịch sử”, trưng bày ảnh đẹp du lịch Nam Định… UBND thành phố Nam Định và Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã thành lập các Tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ… trước, trong và sau lễ hội; trong đó, chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng) và thời điểm phát tờ ấn cho khách thập phương.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với khu di tích Đền Trần (bao gồm: Lễ hội Khai ấn Đền Trần và Lễ hội Trần truyền thống) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp và Lễ Khai ấn Đền Trần đầu Xuân đã trở thành điểm hẹn du lịch văn hóa tâm linh, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị nhân văn, mang ý nghĩa lịch sử đấu tranh giữ nước, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với các vị vua, danh tướng nhà Trần đã có công với dân, với nước, khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A của quân dân Đại Việt.

Bài và ảnh: Khánh Dũng,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/le-hoi-khai-an-den-tran-net-dep-van-hoa-tin-nguong-dau-xuan-35b611f/