Lễ hội 'Ngày cà phê Việt Nam'
Ngày 10/12, Hội Cà phê tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ hội 'Ngày Cà phê Việt Nam'. Dự Lễ hội có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; cùng dự có các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân làm cà phê trên địa bàn.
Các đại biểu dự Lễ hội "Ngày Cà phê Việt Nam".
Ngày hội cà phê là hoạt động thường niên được tổ chức vào ngày 10/12 hằng năm, thu hút nhiều các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các công ty cà phê của cả nước cùng tham gia nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và cách phát triển cây cà phê một cách bền vững, cho ra những sản phẩm có giá trị cao, đặc trưng riêng của các vùng miền trên cả nước.
Tại Lễ hội, các đại biểu đã ôn lại lịch sử truyền thống ngày Cà phê Việt Nam và kết quả thực hiện chương trình phát triển cà phê Sơn La. Trải qua hơn 30 năm thăng trầm, đến nay, Sơn La đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng cà phê chè lớn nhất cả nước, với diện tích trên 20.000 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 40.000 – 45.000 tấn nhân, trị giá 3.500 – 4.000 tỷ đồng.
Cà phê là cây có thế mạnh, tiềm năng lớn trong tỉnh, thu hút hàng vạn hộ nông dân phát triển vùng nguyên liệu cùng với gần chục doanh nghiệp, HTX và hàng trăm cơ sở thu gom, chế biến thủ công. Hiện, cà phê Sơn La đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống; cà phê hạt rang và cà phê bột. Là sản phẩm đặc sản vùng miền; 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Việt Nam. Được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Phát biểu tại Lễ hội, đồng chí Nguyễn Thành Công ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu ngành cà phê Sơn La đạt được thời gian qua. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, Sơn La sẽ có những sản phẩm cà phê đặc sản, tham gia vào các thị trường quốc tế tiềm năng. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân. Trong đó cần thay đổi tư duy sản xuất của người trồng cà phê. Người dân phải làm chủ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân tạo thành chuỗi sản xuất bền vững, trồng các giống cà phê mới cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai, qua đó góp phần ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn. Tập trung, định hướng phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu, đưa thương hiệu cà phê Sơn La ra trường quốc tế.
Nhân dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tặng Giấy khen 30 tập thể và cá nhân.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/le-ky-niem-ngay-ca-phe-viet-nam-45966