Lễ hội tái hiện tích 'Tản Viên đón vợ' thời Vua Hùng
Lễ hội rước Chúa gái là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa Công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18), tái hiện lại đoàn rước dâu năm xưa của Tản Viên Sơn Thánh.
Tình sử nghìn năm
Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử tồn tại, phát triển của làng, xã với những sản phẩm tinh thần và vật chất đã được người dân hai làng Vi - Trẹo của thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ.
Tản Viên Sơn Thánh (còn có tên gọi Sơn Tinh) là vị anh hùng truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Theo Ngọc phả Đền Lăng Xương do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, quan Đô Đốc Thượng Thư cùng với Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập ngày 15/11/1011, vào đời Vua Lê Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên thứ III, Thánh Tản Viên - Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn, con trưởng ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen (còn gọi là bà Thái Vĩ), sinh sống ở động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay là làng Trung Nghĩa, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Tương truyền, một hôm bà Đinh Thị Đen vào rừng kiếm củi, đến Thạch Bàn bỗng thấy mây lành bao phủ, rồng vàng bay xuống phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Sau khi rồng bay đi, bà Đinh Thị Đen thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, bà liền xuống tắm rồi mang thai từ đấy. 14 tháng sau, đúng ngày rằm tháng Giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ Thìn, bà trở dạ sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường. Lớn lên, Nguyễn Tuấn trở thành người cứu độ, tài cao, văn võ song toàn, có phép thần thông biến hóa “hô phong hoán vũ” và trở thành vị thần (Thánh) của núi Tản Viên - Thần Sơn Tinh.
Việc lựa chọn người nhập vai làm Chúa gái (vợ Tản Viên) khá kỹ càng, phải là người trẻ, xinh đẹp từ 12 đến 15 tuổi, chưa có chồng, thùy mị, nết na, gia đình phong quang (không có tang chế). Trước ngày rước 1 tuần, nhà Chúa gái được dân làng trang trí, treo đèn, kết hoa... Chúa gái từ chiều 30 tháng chạp đến ngày 7 tháng giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt đều do các nữ tỳ - cũng là những cô gái chưa chồng, xinh đẹp phục vụ.
Ngoài chủ tế, quan viên trong đội tế, người làm voi, ngựa, đội chân cờ, chân kiệu, người đóng một số vai diễn trò bách nghệ khôi hài… cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn truyền thống, gia đình hòa thuận, không có tang ma, những người từng trải, có kinh nghiệm, khỏe mạnh, có đạo đức... Mỗi làng phải làm một voi màu đen, một cặp ngựa, con hồng, con trắng, to bằng voi, ngựa thật. Người ta dùng nan tre đan hình cốt voi, ngựa sau đó dán giấy màu bên ngoài, trang trí rực rỡ, sống động.
Truyền thuyết thời Hùng Vương lưu truyền rằng: Thời Vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), có hai người con gái, một người tên là Mỵ Châu Tiên Dung Công chúa được gả cho Chử Đồng Tử - chàng trai nghèo kiếm cá ven sông (ở xã Đa Hòa, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam). Còn Mỵ Nương Ngọc Hoa Công chúa, Vua Hùng muốn tìm người tài giỏi, kiệt xuất nên chưa gả cho ai. Vua lập lầu kén rể ở cửa núi Việt Trì, gửi hịch cho bốn phương tìm người tài để gả Công chúa Ngọc Hoa, lập lầu kén rể ở gò Tiên Cát (ngày nay là phường Tiên Cát - Việt Trì - Phú Thọ). Khắp nơi được tin loan báo, trai tài tìm đến đua tranh. Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn - Thần Núi Tản Viên đến xin cầu hôn.
Cùng lúc ấy có một người từ trong làn nước cửa ngã ba sông Bạch Hạc bước lên tự xưng là Thủy Tinh - Thần Sông cũng xin được cầu hôn, cả hai đều có phép thuật thông thiên triệt địa, tài năng văn võ không ai hơn ai. Vua Hùng rất mừng, bèn ngự giá đến sông Bạch Hạc ngự thí.
Sơn Tinh ngồi trên đầu sông, Thủy Tinh trở về đáy sông. Trong chốc lát bỗng thấy mây mưa nổi trên mặt sông, gió mù mịt mặt nước, sấm đánh chớp giật… Sơn Tinh tay cầm sách, tay cầm trượng, miệng đọc thần chú, chỉ trượng vào đâu, vạn quái nghìn tà đều bị quét sạch. Vua thấy cả hai đều tài giỏi, không biết gả cho ai, bèn triệu cả hai đến bảo rằng: “Cả hai khanh đều là người tài giỏi, ta chỉ có một người con gái, không biết gả cho ai. Ngày mai ai mang lễ vật đến trước gồm: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, 100 cặp bánh chưng, 100 cặp bánh dầy thì sẽ được đón Ngọc Hoa về làm vợ”.
Sớm hôm sau, lễ vật được tập kết tại làng Phù Đức để rước vào núi Hùng tế lễ, dâng tiến vua cha. Sơn Tinh dâng lễ vật đến trước và được đón Ngọc Hoa về làm vợ. Lễ đón dâu đưa Công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì, đoàn người đi bộ theo đường bộ hướng từ Đông sang Tây, đoàn rước dâu đi đến làng He xưa kia (làng Vi và làng Trẹo thuộc thị trấn Hùng Sơn ngày nay).
Tới ngã ba Cây Hương cạnh bến đò cầu Cáp thì Công chúa đòi xuống kiệu không đi nữa, ngồi trên tảng đá hướng nhìn về núi (trên núi Nghĩa Lĩnh các đời Hùng Vương lập điện chính vua ở tại núi Nghĩa Lĩnh) vì nhớ cha, nhớ mẹ. Công chúa ngồi rất lâu chỗ này. Đoàn đưa dâu lo lắng nhiều lần giục Công chúa lên kiệu vì sợ muộn giờ nhưng Công chúa vẫn không đi. Cả đoàn bèn bàn với dân làng sở tại tổ chức múa hát, làm nhiều trò vui nhộn cho Công chúa quên nỗi nhớ nhà, đó là các trò: bách nghệ khôi hài, múa tùng dí, múa sư tử... Công chúa từ đó vui lòng lên kiệu đoàn rước dâu ra đến bến đò lên thuyền về nhà chồng, tới núi Tản, sông Đà. Thủy Tinh đến sau, tức giận vì không đón được Ngọc Hoa Công chúa, bèn dâng nước lên đánh nhau với Sơn Tinh, nhưng không thể thắng được. Tục truyền, Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, hàng năm lại dâng nước lên để gây chiến với Sơn Tinh.
Rộn ràng Lễ hội rước Chúa gái
Lễ rước Chúa gái nhằm tái hiện lại đoàn rước dâu năm xưa của Tản Viên Sơn Thánh đi qua làng Vi, làng Trẹo đến bến Cáp ra sông Hồng để về miền núi Tản Ba Vì. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng.
Lễ hội rước Chúa gái xưa kia được coi là lớn nhất vùng, kéo dài gần nửa tháng. Hàng năm, các bậc cao niên hai làng Vi - Trẹo, ngay từ tháng chín hoặc chậm nhất là giữa tháng mười lịch trăng, dân hai làng đã nhộn nhịp chuẩn bị họp bàn chọn người ngồi Chúa, đan voi, đan ngựa, sửa kiệu, sắm cờ, nuôi lợn, nuôi gà và thành lập ban khánh tiết phục vụ cho ngày khai hội.
Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa lễ hội truyền thống là Lễ hội rước Chúa gái (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Ngày 17/2/2024, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội rước Chúa gái.
Vào đầu tháng Chạp, dân làng đã tất bật chuẩn bị lo tổ chức lễ hội. Lễ hội rước Chúa gái bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng. Ngày 25 tháng Chạp: Lễ mở cửa Đền Hạ, Đền Trung (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng); đón Vua về làng ăn Tết; ngày 28 tháng Chạp: Lễ chọn Chúa gái; Đêm 30 tháng Chạp (30 Tết Nguyên đán): Lễ rước tiếng hú; ngày mùng 4 tháng Giêng: Lễ tế lợn hèm và tổ chức chạy địch (còn gọi là “săn lợn - chạy địch”); ngày mùng 6 tháng Giêng: Lễ tế sóc, trình voi, ngựa và chạy tùng rí; ngày mùng 7 tháng Giêng: Lễ rước voi, ngựa về đình Cả (tức Lễ đón tiếp quân giá của Sơn Tinh); ngày mùng 8 tháng Giêng: Lễ rước Chúa gái và trình trò “Bách nghệ khôi hài”.
Ngày rước Chúa gái cũng chính là ngày hội của làng He, tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng. Đoàn rước kiệu Chúa gái gồm bảy nữ tỳ đi cùng để phục vụ Công chúa, trong đó có bốn nữ tỳ rước kiệu, hai nữ tỳ cầm quạt và một nữ tỳ đi theo để phục vụ và thay nhau rước kiệu.
Trong lễ rước có phường Đồng văn hóa trang làm nhiều trò như: Câu cá, múa, trình nghề. Khi kiệu Chúa gái đến gần Đình Cả thì có thêm 2 voi, 4 ngựa (đều làm bằng giấy nhưng to như voi, ngựa thật) chờ sẵn cùng đi.
Nghi lễ rước Chúa gái kết thúc, gia đình có con được chọn làm Chúa gái phải cõng cô gái qua chuồng lợn, bò (nơi ô uế) rồi mới vào nhà. Tục này cho rằng, khi đi qua những nơi ô uế như vậy thì thần, ma sẽ không đi theo cô gái. Theo người dân địa phương, lễ hội của làng He được tổ chức với nhiều trò vui như: Săn lợn, chạy địch, chạy tùng dí và diễn trò bách nghệ khôi hài… để Công chúa không buồn bã nữa mà vui lòng lên kiệu về với chồng trên núi Tản sông Đà.
Lễ hội rước Chúa gái đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay. Lễ hội có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, góp phần nâng cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên. Lễ hội rước Chúa gái góp phần đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc hàng nghìn năm văn hiến.