Lễ hội Tri thức nền tảng: Đưa sách hàn lâm tới gần độc giả

Với mong muốn thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, Lễ hội Tri thức nền tảng đã được tổ chức, thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người yêu sách.

Bà Trần Thị Hoài Phương, Giám đốc Công ty Sách Omega phát biểu khai mạc lễ hội. (Ảnh: Lê An)

Bà Trần Thị Hoài Phương, Giám đốc Công ty Sách Omega phát biểu khai mạc lễ hội. (Ảnh: Lê An)

Trong những năm trở lại đây, với sự bùng nổ của các hội sách với quy mô vô cùng lớn, nhận thức của xã hội về văn hóa đọc ngày càng tăng.

Dù hội sách, sự kiện sách mọc lên như nấm, nhưng chưa thấy rõ sự xuất hiện của các cuốn sách với các tri thức nền tảng, điều đóng vai trò cốt cán cho sự phát triển nhận thức, phát triển xã hội của quốc gia.

Bởi vậy, Lễ hội Tri thức nền tảng lần đầu tiên được Công ty CP Sách Omega Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thanh Xuân, từ ngày 24-31//3.

Sự kiện có sự tham dự của các đại diện nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách như NXB Khoa học Xã hội, NXB Tri thức, NXB Thế giới, Mai Ha Books...

Thực trạng sách tri thức nền tảng ở Việt Nam

Phát biểu khai mạc sự kiện tối 24/3, bà Trần Thị Hoài Phương, Giám đốc Công ty Sách Omega, chia sẻ: "Tri thức nền tảng không phải một thuật ngữ khoa học, một định nghĩa. Nó là một khái niệm mở, bất cứ cá nhân, quốc gia nào cũng cần những kiến thức rường cột đó để phát triển, kiến tạo lịch sử, văn hóa, triết học...".

Trong giai đoạn xuất bản phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay, bà Phương nhận thấy các NXB vẫn còn đang đơn độc, trải qua nhiều khó khăn trong việc xuất bản những hệ thống tri thức đó.

Từ thực trạng trên, bà mong muốn tạo ra một môi trường mà trong đó các đơn vị theo đuổi những dòng sách ở lĩnh vực này có thể quy tụ, tương tác, trao đổi và thúc đẩy lẫn nhau. Đây cũng là không gian cho những độc giả dành tình yêu cho thể loại sách này tới giao lưu, trải nghiệm như họ mong đợi.

Giám đốc NXB Khoa học Xã hội Phạm Minh Phúc, cũng bày tỏ quan điểm: "Trước đây, cán bộ của NXB đã tham gia rất nhiều hội sách đông, thu hút lượng lớn độc giả, tuy nhiên, chưa có hội sách nào tập trung nhiều sách tri thức nền tảng".

Ông Phúc nhận thấy, sách hàn lâm được nghiên cứu rất kỳ công, một công trình có thể có sự tham gia của một nhóm 5 đến 9 nhà khoa học trong 1-2 năm.

Sau đó, để xuất bản ra sách, quá trình đó mất vô cùng nhiều công sức. Thế nhưng, sau khi xuất bản, lượng độc giả tiếp cận sách khá thấp.

Lễ hội Tri thức nền tảng thu hút nhiều bạn đọc thiếu nhi. (Ảnh: Lê An)

Lễ hội Tri thức nền tảng thu hút nhiều bạn đọc thiếu nhi. (Ảnh: Lê An)

Trong khi đó, Giám đốc NXB Tri thức Phạm Thị Bích Hồng chỉ ra rằng, tại các hội sách, trong vô vàn thể thoại được trưng bày, sách khoa học, lý luận thường bị xếp vào những góc khuất, khó thấy, khó được bạn đọc tìm đến.

Vì vậy, sự kiện này như một sân chơi để các NXB đưa các cuốn sách thuộc thể loại này tới gần với người yêu sách hơn.

Vai trò của sách tri thức nền tảng trong xã hội ngày nay

Đại diện Book Hunter Hà Thủy Nguyên cho rằng, lễ hội này đánh dấu "bước đột phá đầu tiên đối với những người làm sách học thuật", bởi tri thức nền tảng luôn hiện diện, là bệ đỡ cho các lĩnh vực, tuy nhiên, truyền thông hay dư luận rất ít khi để tâm đến.

Bà Nguyên nói: “Trải qua những biến động thời gian qua, dần dần, bạn đọc đã nhận ra tri thức nền tảng là một thứ vô cùng cần thiết, vì chỉ khi có nền tảng, chúng ta mới dễ dàng ứng biến. Nếu đọc và học từ ngọn, chúng ta chỉ đơn thuần đang bắt chước.

Chính vì vậy, trong bối cảnh xã hội hiện nay, một lễ hội tri thức nền tảng là điều vô cùng cần thiết cho thời đại, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội tri thức nữa trong tương lai”.

Còn đại diện MaiHaBooks Phạm Thị Mai cho biết, tham dự lễ hội này, MaiHaBooks mang tới thông điệp "Khơi nguồn tri thức - Vững bước tương lai", vì theo bà, tri thức và nền tảng là hai phạm trù quan trọng trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt sau khi toàn cầu vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Hướng đi nào cho việc xuất bản sách hàn lâm?

Tham dự lễ hội, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ đưa ra một giải pháp nhằm gia tăng lượt tiếp cận của độc giả đối với thể loại sách này.

Từ góc nhìn của ông, những dòng sách tri thức gắn liền với hệ thống giáo dục, giúp bổ trợ kiến thức. Để gia tăng điểm tiếp xúc của người đọc với các cuốn sách này, họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng, cần có một chiến lược tổng thể, có sự tham gia của ngành giáo dục.

Ngày đầu khai mạc, Lễ hội Tri thức nền tảng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. (Ảnh: Lê An)

Ngày đầu khai mạc, Lễ hội Tri thức nền tảng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. (Ảnh: Lê An)

Ông chia sẻ: "Các NXB, đơn vị phát hành sách cần thấy rằng, việc phát triển và đưa sách tri thức nền tảng đến gần người đọc quan trọng như thế nào, và biến nó trở thành một phần chiến lược chung của giáo dục, thì việc này sẽ có thể được phát triển vững chãi hơn".

Còn theo dịch giả Việt Long, cần tăng cường giáo dục kiến thức hàn lâm tới thế hệ trẻ, làm sao để không khô khan và giúp học sinh tìm được niềm cảm hứng, tìm thấy sự hấp dẫn trong từng trang sách thì những cuốn sách sẽ được đón nhận nhiều hơn.

Điểm nhấn của Lễ hội Tri thức nền tảng chính là thông điệp “Mở kho tàng thư - nhiều hơn cả sách” với chuỗi hoạt động hấp dẫn xuyên suốt:

Trưng bày: Trưng bày, triển lãm sách theo chủ đề và thương hiệu, nhằm hiển thị một bức tranh chung về xuất bản tri thức nền tảng ở Việt Nam.

Bán sách: Quy tụ nhiều dòng sách tri thức nền tảng với các chính sách phát hành đa dạng, hấp dẫn dành cho độc giả tham dự.

Sự kiện: Tọa đàm, giới thiệu sách theo chủ đề Lịch sử, Triết học, Âm nhạc…

Check-in: Check-in nhận quà (ảnh in + sách).

Các sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình:

Tối 25/3: Buổi trò chuyện “Hành trình nhạc Jazz ở Việt Nam qua câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh” và thưởng thức nhạc Jazz.

Sáng 26/3: Tọa đàm “Mỗi đứa trẻ là một thiên tài” - Einstein Books and More tổ chức.

Chiều 26/3: Tọa đàm “Triết học Aristotle - Những nền tảng cổ xưa trong thời đại mới” - Book Hunter tổ chức.

Thu Hương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-hoi-tri-thuc-nen-tang-dua-sach-han-lam-toi-gan-doc-gia-221066.html