Lễ hội truyền thống Chùa Bắc Nga là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Việc Lễ hội Chùa Bắc Nga được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia sẽ là động lực để chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản.
Chùa Bắc Nga nằm ở phía Đông Bắc xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, còn có tên gọi khác là “Tiên Nga tự," "chùa Tiên Nga" thờ tiên và phật.
Với địa thế “rồng chầu hổ phục," Chùa Bắc Nga có giá trị độc đáo, đặc sắc về kiến trúc và tín ngưỡng tôn giáo, với nhiều mộc bản được xác định khắc vào cuối thời Lê Trung Hưng.
Lễ hội truyền thống Chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 231/QD-BVHTTDL ngày 14/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chiều 23/2, Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lộc tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Chùa Bắc Nga năm 2024 và công bố Quyết định công nhận Lễ hội truyền thống Chùa Bắc Nga, xã Gia Cát là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Việc Lễ hội truyền thống Chùa Bắc Nga được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia sẽ là động lực để chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản trên địa bàn.
Lễ hội Chùa Bắc Nga là lễ hội tiêu biểu được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Đây là một trong hai lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện Cao Lộc.
Đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương đến với lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi giải trí, ngắm phong cảnh và thưởng thức các món ăn đặc sắc nơi đây.
Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được chuẩn bị rất chu đáo, gồm các lễ vật như mâm xôi, gà, lợn quay, mâm ngũ quả để tổ chức dâng hương cầu khấn xin âm dương, trình Thánh, trình Tiên, cầu cho dân làng được tài lộc, sức khỏe mùa màng bội thu, mọi người đều được an lành, hạnh phúc và xin phép Thánh, Tiên cho dân làng được mở hội an vui trên địa bàn.
Phần hội với nhiều các trò chơi dân gian phong phú, độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa riêng của vùng đất này. Các trò chơi như múa sư tử, múa võ dân tộc, tung còn, nhảy bao, hát dân ca, hát Sli, hát Lượn, hát Then diễn ra trong lễ hội.
Ngày hội còn là ngày để mọi người dân phô diện những bộ quần áo dân tộc Tày, Nùng, Dao sặc sỡ với những trang trí hoa văn thật tinh tế do chính bàn tay họ làm ra.
Các hoạt động lễ hội có tính chất cộng đồng cao, sự giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng thôn bản được nâng cao rõ rệt. Mọi người đến tham dự lễ hội gặp gỡ nhau làm tăng thêm mối giao lưu tình cảm, đoàn kết tin tưởng lạc quan vào một tương lai tốt đẹp, ước mong có một cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc, an lành.
Trong khuôn khổ chương trình Lễ hội truyền thống Chùa Bắc Nga năm 2024 từ ngày 23 và 24/2 (tức 14 và 15 tháng Giêng) sẽ diễn ra các hoạt động gồm: hội thi múa sư tử mèo; hội trại thanh niên; các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm; giao lưu các câu lạc bộ hát then, đàn tính, dân vũ và tổ chức các trò chơi dân gian.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó có 247 lễ hội truyền thống, trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng).
Trong số đó, nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội Tân Thanh (huyện Văn Lãng) mùng 9 tháng Giêng; đền Mẫu Đồng Đăng ngày 10 tháng Giêng, Lễ hội Chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc) ngày 15 tháng Giêng; Lễ hội Kỳ Cùng-Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) từ 22-27 tháng Giêng...
Theo Vietnam+