Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê

Đến nay, đồng bào Ê Đê ở các buôn làng tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ gìn, lưu truyền tập tục kết nghĩa anh em.

Thầy cúng thực hiện một nghi lễ trong Lễ kết nghĩa anh em.

Thầy cúng thực hiện một nghi lễ trong Lễ kết nghĩa anh em.

Thông qua nghi lễ, mối quan hệ gia đình và dòng họ đồng bào Ê Đê được xây dựng không chỉ trên cơ sở quan hệ huyết thống, họ hàng mà còn vững bền qua sự liên kết giữa những người trong tộc họ khác, dân tộc khác. Lễ kết nghĩa như sợi dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ và cộng đồng trong các buôn làng.

Đã ngoài 70 tuổi, nhiều lần làm thầy cúng trong lễ kết nghĩa anh em của người trong buôn, ông Y Chốh Niê ở buôn Drai Sí (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cho biết, từ xa xưa, người Ê Đê đã có tập tục này. Việc kết nghĩa xuất phát từ tấm lòng trong sáng đầy tình người của đồng bào. Lễ kết nghĩa anh em có sự chứng kiến của già làng, bà con trong dòng họ của hai người cùng đông đảo dân làng.

Theo giới thiệu của ông Y Chốh Niê, mới đây chúng tôi về buôn Drai Sí (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) để chứng kiến Lễ kết nghĩa anh em giữa bà H’Djuăn Niê sinh năm 1977 và ông Y Thôn Niê sinh năm 1964, trú ở buôn Mlăng, xã Ea Tar. Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, bà con trong buôn xem lễ kết nghĩa như công việc của buôn làng, nên ngay từ sáng sớm đã có mặt tại nhà bà H’Djuăn Niê để chung vui với hai người và hai gia đình.

Trước khi tổ chức lễ, chủ nhà chuẩn bị 10 ché rượu cần, 1 con heo thiến, 2 con gà cùng gạo, nếp và các gia vị. Người được kết nghĩa phải có mặt trước 5 giờ sáng chứng kiến chủ nhà mổ heo, chuẩn bị các lễ vật, buộc ché rượu cần, gùi nước, chặt lá chuối... Khi các nghệ nhân cồng chiêng, người thân trong gia đình với trang phục thổ cẩm truyền thống quây quần trong ngôi nhà dài truyền thống, nhịp cồng chiêng ngân vang báo hiệu nghi lễ bắt đầu.

Người được kết nghĩa ngồi bên mâm cơm cúng và các lễ vật để thầy cúng tiến hành nghi lễ. Mở đầu, thầy cúng khấn mời các thần linh, ông bà, tổ tiên về chứng giám cho Lễ kết nghĩa anh em của dòng họ Niê buôn Drai Sí và dòng họ Niê buôn Mlăng. Tiếp đó, thầy cúng báo cho các vị thần, kể từ buổi lễ này hai người kết nghĩa sẽ thành một dòng máu, như anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, bảo ban nhau làm ăn, xây dựng buôn làng ấm no và bảo vệ nhau đến đời con cháu mai sau.

Nếu người nào rắp tâm làm hại người còn lại thì các thần sẽ trừng phạt. Kết thúc nghi thức cúng, thầy cúng sẽ mời người được kết nghĩa thưởng thức các món ăn mà chủ nhà đã chuẩn bị. Sau đó, người được kết nghĩa lần lượt cầm cần uống rượu từ ché rượu cần.

Trong buổi lễ này không thể thiếu nghi thức trao vòng đồng cho người được kết nghĩa. Người Ê Đê quan niệm, vòng đồng tượng trưng cho sự gắn kết bền vững. Sau lễ cúng, người được kết nghĩa sẽ được các thành viên, người thân họ hàng trong gia đình chủ nhà lần lượt đến trao tặng vòng đồng. Sau đó, các thành viên hai bên gia đình kết nghĩa, các vị khách và dân làng, hàng xóm lần lượt thưởng thức rượu cần, ẩm thực, trò chuyện như người thân trong gia đình.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Thái Hồng Hà, trên địa bàn tỉnh này, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35% số dân. Cộng đồng các dân tộc anh em ở Đắk Lắk sở hữu rất nhiều tập tục, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó có tập tục kết nghĩa anh em của người Ê Đê. Lễ kết nghĩa anh em thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các gia đình, dòng họ và cộng đồng buôn làng, cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-ket-nghia-anh-em-cua-nguoi-e-de-post772354.html