Lễ khai hội Rằm tháng Giêng chùa Cổ Sơn
Ngày 23/02, tại Di tích văn hóa Gò chùa Nổi (ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình), UBND huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện tổ chức Lễ khai hội Rằm tháng Giêng chùa Cổ Sơn (hay còn gọi là chùa Nổi) Xuân Giáp Thìn 2024.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy - Lê Thanh Ngiêm; Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng - Nguyễn Anh Việt; Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội - Nguyễn Tuấn Anh; Đại đức Thích An Phát - Trụ trì chùa Cổ Sơn đến dự.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo phật tử, người dân, du khách từ khắp nơi nô nức về chùa vãn cảnh, cúng phật, cầu an. Tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi thức gióng chuông, dâng hương, lễ phật, thả cá phóng sanh và trao tặng quà cho các hộ dân nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chùa Cổ Sơn do thiền sư Thiện Nhiêu khởi tâm xây dựng vào năm 1823 giữa vùng Đồng Tháp Mười bao la, rộng lớn. Nơi đây còn là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là trận địa pháo đài phục vụ cho chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, góp phần viết nên thành tích anh hùng của xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Lễ hội truyền thống Rằm tháng Giêng chùa Cổ Sơn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Đến với lễ hội, người dân và du khách sẽ được thưởng thức và chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống, nhớ về nguồn cội; là điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh mang thương hiệu riêng của huyện Vĩnh Hưng.
Những năm qua, huyện đã và đang tập trung từng bước hình thành sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch - về nguồn dựa trên những ưu thế và tiềm năng sẵn có như các Di tích lịch sử Long Khốt, Gò Ông Lẹt,... Trong đó, Di tích văn hóa Gò Chùa Nổi được coi là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong và ngoài huyện.
Hiện huyện đã hoàn thành giai đoạn giải phóng mặt bằng của dự án tu bổ Di tích, tổ chức san nền, mở rộng di tích, xây dựng nhiều hạng mục như khu Đình thần, khu trị bệnh bằng thuốc nam, khu nhà phục vụ đồ chay, khu bán đồ lưu niệm, khu tượng Phật, hồ sen. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Đồng thời, huyện cũng phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kiểm kê, lập hồ sơ khoa học Lễ hội truyền thống Rằm tháng Giêng tại Di tích văn hóa Gò Chùa Nổi đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản khi được công nhận sẽ là điều kiện tốt cho việc thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triển KT-XH của huyện.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, lễ hội Rằm tháng Giêng Chùa Cổ Sơn sẽ được huyện Vĩnh Hưng tổ chức hằng năm. Hoạt động này sẽ là ngày hội văn hóa tiêu biểu, ngày càng được tổ chức trang trọng, ấn tượng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Hưng đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo gìn giữ, tôn tạo, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội tại Di tích nhằm góp phần phát triển du lịch./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/le-khai-hoi-ram-thang-gieng-chua-co-son-a171756.html